Đình thần An Khánh: Nơi kết nối truyền thống và hiện đại

Hôm nay 28-4, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức khánh thành đình thần An Khánh (tọa lạc tại số 2/1 đường Lương Định Của, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM) sau gần 1 năm phục dựng.

Đình thần An Khánh sau khi được TP Thủ Đức (TPHCM) phục dựng. Ảnh: CHÍ LỘC

Đình thần An Khánh sau khi được TP Thủ Đức (TPHCM) phục dựng. Ảnh: CHÍ LỘC

Việc phục dựng đình thần An Khánh nhằm phát huy các giá trị văn hóa, là điểm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ đối với các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất Thủ Thiêm.

1.Trở lại đình thần An Khánh vào giữa tháng 4-2023, trước mắt chúng tôi là một công trình đình khang trang, bề thế đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị cho lễ khánh thành (đình nằm trong tổng thể Quảng trường - Công viên Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Công trình phục dựng đình thần An Khánh có diện tích đình chính hơn 381m2, khối công trình phụ trợ hơn 200m2 và khu vực cảnh quan cây xanh rộng 684m2.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, đình thần An Khánh được phục dựng trên cơ sở ngôi đình cổ của vùng đất Thủ Thiêm xưa. Đình thần An Khánh được người dân tạo dựng vào khoảng thời gian 1679-1725, cách bến phà Thủ Thiêm 300m, tọa lạc trong khu dân cư của phường An Khánh, quận 2 cũ (nay là phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức). Đình cũ có diện tích chính điện khoảng 130m2, còn lại là sân đình, võ quy, nhà trù, nhà hậu… khoảng 500m2.

Khi TPHCM quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân gửi tâm tư, nguyện vọng phục dựng đình thần An Khánh nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn vinh công lao, thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, những người có công mở đất khai phá và tạo dựng vùng đất Thủ Thiêm. Lãnh đạo TP Thủ Đức nhận định, việc phục dựng đình thần An Khánh tạo cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa có các công trình kiến trúc hiện đại vừa có công trình văn hóa tín ngưỡng truyền thống dân gian của người dân Nam bộ từ bao đời nay. Điều đó cho thấy lịch sử luôn là linh hồn của một thực thể đô thị sống.

2. Trong cuốn sách Thủ Thiêm - Quá khứ và Tương lai do PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân làm chủ biên (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, năm 2010) nêu rõ, đình thần An Khánh là đình duy nhất trên địa bàn phường An Khánh, tương ứng với cấu trúc truyền thống trước đây là mỗi làng một đình, và không rõ đình thần An Khánh được thành lập vào năm nào.

Theo các bậc cao niên trong Ban Quý tế, đình thần An Khánh có lưu giữ một mảnh lụa được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1832, có nội dung: “Bình Dương huyện, Gia Định tỉnh, Tân Bình phủ, Bình Trị tổng, An Lợi xã, Trần Thống Quân Hà Quảng Thống sư, Danh lộc Trị thủy Bộ chi Thần, tước sắc Thần hoàng bổn cảnh” và một chiếc ấn hình vuông khắc 6 chữ Hán “Quan Thánh đế quân linh bửu” chưa xác định niên đại. Kế bên đình là lăng mộ của một võ tướng họ Trần làm bằng đá ong xưa (không có bia lăng), dân làng gọi là “đình ông Tướng”, được phụng thờ trong đình.

Ông Lê Văn Tốt, Trưởng Ban Quý tế đình thần An Khánh, chia sẻ, trước đây, vào các dịp lễ, tết, ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, đình thần An Khánh thu hút hàng trăm người dân đến tham quan, chiêm bái. Ngôi đình này đã gắn liền với đời sống tinh thần của đông đảo người dân Thủ Đức và các vùng lân cận. Vào lễ Kỳ Yên hàng năm (15, 16-11 âm lịch), rất đông người dân ở thành phố và khách thập phương đến tham quan, tham dự lễ hội. Do đó, người dân rất phấn khởi khi hay tin đình thần An Khánh được phục dựng để họ được tiếp tục tham gia các lễ hội thờ cúng, tưởng nhớ vị thành hoàng của vùng đất Thủ Thiêm, cũng như tổ chức lễ Kỳ Yên theo truyền thống dân gian.

3. Theo định hướng quy hoạch TP Thủ Đức, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được xác định là trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, với vai trò và vị trí của trung tâm tài chính, sự du nhập của các luồng văn hóa khác vào vùng đất Thủ Thiêm là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc phục dựng đình thần An Khánh nhằm phát huy các giá trị văn hóa, là điểm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ đối với các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất Thủ Thiêm. Để mỗi người trẻ thấy rằng, dù trải qua vô vàn biến thiên, truyền thống của người Việt vẫn luôn ghi nhớ, biết ơn, trân trọng những giá trị mà ông cha để lại, từ đó sống xứng đáng hơn.

“Khi thành một trung tâm tài chính như định hướng, nơi đây sẽ du nhập rất nhiều nền văn hóa. Do đó, cần thiết phải có một công trình văn hóa, công trình lịch sử có giá trị văn hóa của đất phương Nam và người dân TPHCM tại vùng Thủ Thiêm. Và đình thần An Khánh là công trình để giới thiệu đến bạn bè quốc tế rằng, dù có phát triển hiện đại như thế nào thì giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa tinh thần vẫn luôn trường tồn, là chỗ dựa để người Việt vươn xa hơn, phát triển hơn”, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, nhấn mạnh.

Bên cạnh phục dựng đình thần An Khánh, TP Thủ Đức cũng đã, đang, tiếp tục tu bổ, sửa chữa khẩn cấp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống một số đình có niên đại cao, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn TP Thủ Đức, như khu mộ cổ Gò Quéo, đình thần Linh Đông, đình thần Phong Phú, đình thần Xuân Hiệp, nhà thờ ông Tạ Dương Minh…

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dinh-than-an-khanh-noi-ket-noi-truyen-thong-va-hien-dai-post687518.html