Đinh Thị Ben: Nặng lòng với văn hóa Bahnar

Nhiều năm nay, chị Đinh Thị Ben-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) miệt mài 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' tuyên truyền, vận động hội viên chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Bahnar. Nhờ đó, không ít mô hình hay đã được hình thành và duy trì, thu hút đông đảo chị em tham gia.

Dưới mái nhà sàn, một số chị em trong tổ dệt của tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) đang tỉ mẩn bên chỉ màu và khung dệt. Ai cũng chăm chú hoàn thiện thật nhanh sản phẩm của mình. Thỉnh thoảng, họ quay sang chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau tạo ra một sản phẩm đẹp mắt nhất. Chị Đinh Thị Ben cũng có mặt tại đây từ khá sớm quan sát mọi người dệt vải, đồng thời động viên chị em cố gắng giữ “lửa nghề” để tiếp tục truyền lại cho lớp kế cận.

Chị Đinh Thị Ben (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm với chị em trong tổ dệt của tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro). Ảnh: Mộc Trà

Chị Đinh Thị Ben (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm với chị em trong tổ dệt của tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro). Ảnh: Mộc Trà

Theo chị Đinh Thị Hiên-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Plei Nghe, trên địa bàn hiện có 14 tổ dệt với khoảng 60 thành viên. Trong số đó, người lớn nhất đã 95 tuổi, còn nhỏ nhất mới 10 tuổi. Thông thường, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là lúc vụ mùa rảnh rỗi nên mọi người tập trung dệt thổ cẩm nhiều hơn; những tháng còn lại thì tranh thủ dệt vào buổi tối sau giờ lên rẫy.

“Từ khi được Hội LHPN thị trấn, nhất là chị Ben tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình. Sản phẩm thổ cẩm của chúng tôi được nhiều người gần xa biết đến và đặt mua với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/bộ”-chị Hiên cho biết.

Chị Hiên đã trở thành “cánh tay nối dài” của chị Ben trong quá trình tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Không những thế, chị Hiên còn tích cực truyền dạy nghề dệt cho con cháu mình. Em Đinh Thị Tâm-con gái chị Hiên dẫu mới 10 tuổi nhưng đã thành thạo kỹ thuật dệt và có thể làm nên nhiều sản phẩm có giá trị.

“Em bắt đầu học dệt từ năm 8 tuổi. Một năm sau, em đã dệt được khăn, áo, khố cho em trai và váy cho mình. Khó nhất là dệt hoa văn, đến nay, em chỉ mới học được 5 kiểu. Em sẽ cố gắng học thêm để dệt thật đẹp”-Tâm bày tỏ.

Nhìn Tâm say sưa bên khung dệt, chị Ben vô cùng phấn khởi. Bởi lẽ, chị biết sự cố gắng bấy lâu của mình đã bắt đầu cho “quả ngọt”.

Chị Ben chia sẻ: “Do ảnh hưởng từ nhiều mặt đời sống, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar nơi đây đang dần mai một, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Người biết dệt để truyền dạy ở các làng ngày càng vơi đi, trong khi lớp trẻ lại ít mặn mà với khung dệt.

Là một người con của dân tộc Bahnar, tôi rất trăn trở trước thực trạng này. Vì thế, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, vận động chị em tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa, tôi còn đề xuất với cấp trên cho chủ trương mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề dệt cho hội viên dân tộc thiểu số. Đến nay, tất cả chi hội phụ nữ ở thị trấn đều hình thành và duy trì hiệu quả các tổ dệt”.

Ngoài dệt thổ cẩm, chị Ben còn góp công lớn trong việc hình thành các câu lạc bộ cồng chiêng nữ ở thị trấn Kông Chro. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ qua các lần tham dự sinh hoạt chi hội, chị Ben cùng Chủ tịch Hội LHPN thị trấn đã bàn bạc và quyết định thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tại tổ dân phố Plei Hle Ktu và tổ dân phố Plei Dơng vào tháng 3-2019. Từ mô hình thí điểm này, các chi hội còn lại cũng thành lập đội, tập luyện và biểu diễn nhân các lễ hội lớn, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ với hơn 350 hội viên tham gia.

Hội LHPN thị trấn Kông Chro ra mắt Câu lạc bộ cồng chiêng nữ tại tổ dân phố Plei Hle Ktu và tổ dân phố Plei Dơng vào tháng 3-2019. Ảnh: Mộc Trà

Hội LHPN thị trấn Kông Chro ra mắt Câu lạc bộ cồng chiêng nữ tại tổ dân phố Plei Hle Ktu và tổ dân phố Plei Dơng vào tháng 3-2019. Ảnh: Mộc Trà

“Dự kiến vào tháng 10 tới, chúng tôi sẽ ra mắt thêm 2 câu lạc bộ cồng chiêng nữ tại tổ dân phố Plei Pyang và tổ dân phố Plei Nghe. Thuận lợi là trên địa bàn thị trấn hiện còn lưu giữ 47 bộ chiêng, có 3 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và sẵn sàng truyền dạy cho lớp trẻ.

Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa-văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, chị em phụ nữ nói riêng và người dân nói chung được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ; tự giác xóa bỏ các tập tục lạc hậu, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ; đồng thời chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đây thật sự là điều đáng mừng”-chị Ben phấn khởi nói.

Bà Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro: Chị Đinh Thị Ben rất nhiệt tình, gương mẫu và trách nhiệm trong công tác Hội, được chị em hội viên tin tưởng, quý mến. Đặc biệt, chị dành nhiều tâm huyết cùng với chị em tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Bahnar. Những mô hình câu lạc bộ cồng chiêng, tổ dệt thổ cẩm của phụ nữ thị trấn đến nay đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên. Vừa qua, chị Ben là 1 trong 14 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202104/dinh-thi-ben-nang-long-voi-van-hoa-bahnar-5731766/