Dinh Thượng thơ gần 160 tuổi ở TP HCM sẽ được bảo tồn

UBND TP HCM vừa thống nhất phương án bảo tồn công trình hiện hữu Dinh Thượng thơ tại 59-61 Lý Tự Trọng (đang là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông TP).

Tòa nhà Dinh Thượng thơ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 sẽ là nhà truyền thống khi TP HCM nâng cấp, mở rộng trụ sở HĐND và UBND TP.

Thường trực UBND TP HCM vừa có kết luận về phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND – UBND TP và giải pháp bảo tồn công trình tại Dinh Thượng thơ cũ tại 59-61 Lý Tự Trọng (đang là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông).

Dinh Thượng thơ góc ngã tư Lý Tự Trọng và Đồng Khởi

Dinh Thượng thơ góc ngã tư Lý Tự Trọng và Đồng Khởi

Theo đó, Thường trực UBND TP thống nhất chọn phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler, theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên và bảo tồn công trình hiện hữu Dinh Thượng thơ.

UBND TP HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc làm việc với đơn vị tư vấn Gensler để nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với chủ trương nêu trên; tham mưu phương án kinh phí thuê đơn vị tư vấn, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Tòa nhà Dinh Thượng thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời ở Sài Gòn. Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân đương thời gọi đây là Dinh Thượng thơ.

Về mặt chính quyền lúc bấy giờ, tòa nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).

Tòa nhà này từng xuất hiện trong phim "Người Mỹ thầm lặng" (năm 1958).

Công trình được xây theo kiến trúc Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U, ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.

Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt có thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.

Tháng 5 năm ngoái, khi công bố phương án mở rộng trụ sở, UBND TP cho biết tòa nhà này có thể bị đập bỏ vì không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa – thể thao. Rất nhiều người dân và chuyên gia... đã kiến nghị TP bảo tồn công trình này.

Một hội thảo đã được TP HCM tổ chức để nghe thêm ý kiến của các chuyên gia. Sau đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã kiến nghị UBND TP khảo sát, đánh giá để bổ sung Dinh Thượng thơ vào danh mục các công trình được nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị; đồng thời thu thập tài liệu, đánh giá để có giải pháp quản lý đối với công trình này.

Phan Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/dinh-thuong-tho-gan-160-tuoi-o-tp-hcm-se-duoc-bao-ton-20191212171241079.htm