Đinh Trang Thượng chú trọng trồng dâu nuôi tằm
Ngoài chú trọng tái canh cà phê và trồng xen, từ đầu năm đến nay, Đảng ủy, UBND xã Đinh Trang Thượng (Di Linh) đã định hướng cho người dân trên địa bàn thực hiện chuyển đổi một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương để tăng thêm thu nhập. Trong đó đáng chú ý là phát triển trồng dâu nuôi tằm. Tuy mới triển khai thực hiện, nhưng việc trồng dâu nuôi tằm ở Đinh Trang Thượng đang có tín hiệu phát triển tốt.
Theo đánh giá của cấp ủy chính quyền địa phương, giai đoạn 2015 - 2020, ngành nông nghiệp của xã Đinh Trang Thượng tương đối phát triển, quy mô canh tác ngày càng được mở rộng; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá ổn định, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao tiếp tục được triển khai nhân rộng. Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã là 3.040 ha, trong đó diện tích trồng cà phê 2.517 ha (diện tích cà phê đã được tái canh 552,9 ha), diện tích cây trồng xen trong vườn cà phê 118,7 ha. Năng suất cà phê bình quân đạt từ 3-3,5 tấn/ha/năm, với sản lượng ước đạt 7.551.000 kg. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Xuân Song - Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Thượng, cho biết: “Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, chủ lực chính vẫn là cây cà phê. Sản xuất còn mang tính độc canh, chưa đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Năng suất, sản lượng còn thấp. Vì vậy, đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, trong thời gian tới, để tăng thu nhập cho người dân, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Trang Thượng giai đoạn 2020 - 2025”.
Để cụ thể hóa và đưa nghị quyết vận dụng vào thực tế cuộc sống người dân, thời gian qua, xã Đinh Trang Thượng đã chủ động thành lập đoàn bao gồm các cán bộ và một số hộ dân tiêu biểu, mạnh dạn, có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm đến tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng dâu nuôi tằm thành công trên địa bàn xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà); phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật…, nên đã giúp bà con trong xã nắm bắt được cách thức, quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây dâu, con tằm; tổ chức buổi đối thoại với người dân về “Giải pháp phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Trang Thượng”.
Là một trong những hộ dân đầu tiên trồng dâu nuôi tằm ở xã Đinh Trang Thượng, ông Nguyễn Hoàng Văn ở Thôn 2 chia sẻ, gia đình ông có 3,5 ha cà phê, do giá cả cà phê trên thị trường không ổn định nên những năm qua gia đình ông đã trồng xen 1.000 trụ tiêu và chuyển đổi diện tích 5 sào cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. “Thấy hiệu quả cà phê mang lại thấp, nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi trồng dâu nuôi tằm. Kỹ thuật nuôi tằm khá đơn giản, cần chú ý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật... Với 5 sào dâu bình quân tôi nuôi từ 4 - 5 hộp tằm con/tháng, thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Do thời gian qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nên giá kén trên thị trường có giảm xuống nhưng điều đó không làm ảnh hưởng nhiều đến người trồng dâu nuôi tằm. Hiện bà con dân tộc thiểu số trong xã cũng đã tích cực, mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm, có hộ đã có nguồn thu khá ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Hoàng Văn cho biết thêm.
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng có 36 hộ trồng khoảng 8,1 ha dâu, trong đó có trên 10 hộ đã nuôi tằm. Dự kiến trong năm 2020, xã Đinh Trang Thượng sẽ có 40 hộ trồng dâu nuôi tằm, nâng tổng số diện tích dâu trong toàn xã lên đến khoảng 18 ha.
Với việc quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành và được Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng và xã Tân Thanh (Lâm Hà) hỗ trợ giống dâu…, việc trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng sẽ sớm mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân trong xã, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.