Định vị đô thị nghĩa tình (*): Hạnh phúc giữa trao và nhận

Đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn là rất nhiều trái tim nhân hậu, qua nghĩa cử đó, niềm hạnh phúc đến không chỉ từ một phía

TP HCM một ngày cuối tháng 3-2025, hàng chục người cao tuổi đến từ Khánh Hòa có mặt tại Bệnh viện Giao thông Vận tải TP HCM với tâm trạng háo hức chờ được mổ cườm, mộng thịt.

Thay đổi cuộc sống

Trong trang phục bà ba đã phai màu bởi thời gian, bà Trần Thị Thêu (SN 1954) ngồi đợi lấy thuốc sau mổ. Bà cho biết mắt mờ từ nhiều năm qua nhưng gia đình chưa có điều kiện để khắc phục.

Dịp này, bà được địa phương lập danh sách tham gia chương trình mổ mắt miễn phí. "Tôi biết ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm, của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM đã thương và giúp đỡ những người không có điều kiện như chúng tôi có đôi mắt sáng" - bà Thêu nói.

Tâm trạng xúc động tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1958) sau khi nhận thuốc từ tình nguyện viên cho hay ở địa phương nơi bà sống, nhiều người được mổ mắt miễn phí và có cuộc sống tốt hơn.

Bà Hạnh kể mắt bị cườm, mờ dẫn tới mọi sinh hoạt khó khăn. Đợt mổ này, bà được được đưa đón tận nơi, chăm sóc đầy đủ và rất hạnh phúc trước tấm chân tình của mọi người.

Phát thuốc cho bệnh nhân mổ mắt miễn phí. Ảnh: KHẮC HIẾU

Phát thuốc cho bệnh nhân mổ mắt miễn phí. Ảnh: KHẮC HIẾU

Chị Lê Hồng Trúc, tình nguyện viên, cho biết khi Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM phối hợp mổ mắt cho người nghèo, trung bình mỗi tháng chị tham gia 6 lần, công việc bao gồm phân loại thuốc, phát thuốc, dặn dò bà con cách sử dụng thuốc và giữ gìn sau mổ.

"Niềm vui của chúng tôi là nhìn thấy sự hân hoan trên khuôn mặt của các cô chú sau khi phẫu thuật. Có nhiều cô chú đã bật khóc vì không nghĩ được phục vụ tận tình như vậy" - nữ tình nguyện viên có 15 năm theo đuổi công việc ý nghĩa này cho biết.

Từ trăn trở tới hành động

Bên cạnh chương trình mổ mắt mang lại ánh sáng cho người nghèo, nhiều năm qua, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM thực hiện hơn 10.000 ca phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em nghèo.

Gặp anh Lê Minh Thiện (SN 1992, quê Bến Tre) ở Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Chợ Rẫy, phóng viên được "khoe" đang làm hồ sơ xuất viện cho con.

Anh Thiện phấn khởi nói ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, các nhà hảo tâm và bác sĩ đã tái sinh cho bé và cảm xúc rất vui này rất khó diễn tả.

Cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngồi chờ khám lần cuối cho đứa cháu 12 tuổi trước khi về nhà, bà Lê Phương Thảo (SN 1969) nghĩ cảnh cha mẹ cháu người thì khờ, người thì vô tâm mà ngân ngấn nước mắt.

Cháu bà trong lúc học trên lớp thì xỉu, bà bỏ việc làm thêm đưa vào viện thì được thông báo cháu mắc bệnh tim. Sau đó, nhờ bệnh viện giới thiệu, bé được mổ tim miễn phí. Bà Thảo cho hay chưa biết nói gì khi trong lòng đang xốn xang, xúc động bởi những hỗ trợ tận tâm.

Bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM - thăm trẻ em sau phẫu thuật tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: PHẠM DŨNG

Bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM - thăm trẻ em sau phẫu thuật tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: PHẠM DŨNG

Nói về chương trình Cứu giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh mổ tim miễn phí, theo TS-BS Lê Thành Khánh Vân, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Chợ Rẫy, xuất phát từ sự trăn trở khi bệnh nhi bị tim bẩm sinh thì ngoài chi phí bảo hiểm chi trả, gia đình phải trả một phần viện phí.

Có gia đình xoay xở đến mức vay nóng ngoài xã hội để mổ tim cho con; mổ xong chưa trả hết nợ thì tiếp tục mổ. Vì thế, nhiều năm qua, bệnh viện phối hợp với nhiều tổ chức từ thiện trong đó có Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM làm hồ sơ để các em được mổ tim miễn phí.

TS-BS Lê Thành Khánh Vân khẳng định một trong những niềm vui lớn là lúc các bé xuất viện, về đi học với trái tim khỏe mạnh.

Niềm vui lớn

Theo tìm hiểu, từ việc chứng kiến cảnh người nghèo rớt nước mắt tại bệnh viện với các chi phí điều trị, nhiều cán bộ lão thành cách mạng sau khi nghỉ hưu đã vận động thành lập Hội Bảo trợ bệnh viện miễn phí vào năm 1994. Năm 1998, hội được đổi tên thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM.

Đến nay, hội thực hiện rất nhiều chương trình như: Cứu trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; Đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo; Hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người tàn tật và trẻ bại liệt; Học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, khuyết tật, hiếu học; Tặng thẻ BHYT cho hộ cận nghèo; Hỗ trợ bệnh nhi ung thư; Nước sạch học đường; Bữa ăn miễn phí cho người bệnh và thân nhân nuôi bệnh; Xây cầu tại các vùng nông thôn…

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM cũng vận động kinh phí phẫu thuật tim cho 569 trường hợp là người lớn, trụ cột của gia đình. Ngoài ra, đưa một số bệnh nhân ra nước ngoài điều trị.

TS Trần Thành Long, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM, thông tin từ khi thành lập đến nay, hội được ủng hộ hơn 300 tỉ đồng cho chương trình tim, giúp thực hiện phẫu thuật cứu sống hơn 10.300 cháu bị bệnh tim bẩm sinh trở lại cuộc sống bình thường ở các tỉnh, thành.

Hơn 10.300 ca phẫu thuật tim đã thay đổi cuộc sống của không chỉ bằng ấy cá nhân mà còn cho hơn 10.300 gia đình. Bởi, một gia đình nghèo có thành viên bị bệnh tim sẽ kéo theo sự khó khăn, đau buồn, lo lắng cho cả hai bên nội ngoại.

"Như có phép lạ, sau mổ tim, trẻ em sớm hồi phục trở về cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác. Bản thân trẻ em được cứu sống, gia đình các cháu không còn quá lo sợ mất con và cuộc sống kiệt quệ vì quá tốn kém chạy chữa như trước nữa" - TS Trần Thành Long nói, đồng thời khẳng định việc các cháu được cứu sống giúp đem lại niềm vui lớn cho những tấm lòng nhân ái, đội ngũ y - bác sĩ và người làm công tác thiện nguyện.

Tỏa sáng lòng nhân ái

Về chương trình mổ mắt, theo TS Trần Thành Long, bắt đầu từ năm 1996 đến nay, hội đã thực hiện mổ mắt miễn phí đem lại ánh sáng cho hơn 710.000 người.

Việc ra đời Ngân hàng Mắt đầu tiên tại miền Nam của hội là một bước phát triển mới của chương trình Đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo. Đây là một trong những chương trình trọng tâm của hội, gây xúc động lớn, đem lại cuộc sống mới, niềm hạnh phúc đối với người nghèo hỏng giác mạc mà nếu không được trợ giúp thì đành phải sống trong bóng tối suốt đời.

Từ khi Ngân hàng Mắt thành lập đến nay đã ghép thành công 50 ca cho bệnh nhân mù nghèo được sáng mắt từ 31 người hiến giác mạc.

Nói về kế hoạch thời gian tới, TS Trần Thành Long bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ vật chất, tinh thần để người nghèo vượt qua nỗi buồn bệnh tật.

TS Trần Thành Long thừa nhận nhìn các cháu bệnh nhi ung thư với nụ cười hiền mà lòng trỗi lên sự trăn trở. Theo đó, bệnh tật ập đến, gia đình họ không có tiền phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho con. Vì thế, phấn đấu không ngừng nghỉ để giúp thêm thật nhiều trái tim khỏe mạnh, mang lại ánh sáng cho thật nhiều người là suy nghĩ thường trực của đội ngũ bác sĩ và những cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp có tấm lòng nhân ái.

Xứng đáng với sự vinh danh

Thông tin tới những người nghèo được phẫu thuật mắt, ông Nguyễn Văn Rảnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo

TP HCM, cho biết chương trình mổ mắt miễn phí là tấm lòng mà các nhà hảo tâm nhiều năm qua đồng hành với hội. "Sau khi mổ, đôi mắt của bà con sẽ sáng hơn, nhìn rõ hơn, sinh hoạt tốt hơn... Rất mong bà con mình cố gắng gìn giữ kỹ lưỡng mắt sau phẫu thuật theo dặn dò của bác sĩ" - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM gửi gắm.

Các bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân nghèo

Trước những đóng góp cho cộng đồng, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao xác lập kỷ lục cho hội trong chương trình từ thiện Cứu giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và chương trình Mổ mắt miễn phí đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo vì cả 2 chương trình có số ca phẫu thuật mắt và tim miễn phí nhiều nhất Việt Nam.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM cũng được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhận cờ truyền thống của UBND TP HCM...

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4

KHẮC HIẾU - PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dinh-vi-do-thi-nghia-tinh-hanh-phuc-giua-trao-va-nhan-196250402210220465.htm