Định vị được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) chỉ với hơn 1.400 từ nhưng đã đề ra những mục tiêu để phát triển nền văn hóa tân dân chủ mang tinh thần dân tộc và dựa trên các nguyên tắc: Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa” - PGS-TS Nguyễn Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đánh giá.
Theo bà, sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa.
Văn hóa là một mặt trận
. Phóng viên: Thưa bà, 80 năm Đề cương văn hóa được thông qua, bối cảnh lịch sử lúc này đã có nhiều khác biệt, vậy theo bà Đề cương có phát huy được giá trị?
+ PGS-TS Nguyễn Thu Phương: Tôi khẳng định Đề cương vẫn còn giá trị thực tiễn đến hôm nay. Với công nghệ 4.0 và nhiều cơ chế để phối hợp hiện nay, chúng ta hãy thực hiện mục tiêu và những nguyên tắc Đề cương vạch ra một cách khoa học, tạo sự liên kết giữa các chủ thể với tinh thần trách nhiệm và cái nhìn thấu suốt. Đây không phải là câu chuyện riêng của ngành văn hóa, nếu muốn phát triển văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngày nay văn hóa là một mặt trận nếu chúng ta đặt trong bối cảnh đã phải đối diện và giải quyết các thách thức phi truyền thống như đại dịch COVID-19 hay các thách thức về bảo đảm phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ phải dựa vào sức mạnh văn hóa, dựa vào các nguyên tắc mà bản Đề cương đưa ra để vận dụng vào thực tế để tạo thành sức mạnh mới trên mặt trận văn hóa để văn hóa cùng kinh tế, chính trị, xã hội tạo nên sự phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn. Điều này chính là sự kế thừa phát huy đúng tinh thần Đề cương do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo.
. Vậy tác động của Đề cương theo bà được biểu hiện như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
+ Sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa. Nói cách khác, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh của Đề cương trong việc tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của văn hóa vào thời điểm ra đời, cũng như trong những giai đoạn tiếp theo của công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước.
Từ khi ra đời cho đến nay, Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị để những người làm văn hóa có thể nhận thức rõ con đường mình đang đi, lý tưởng mình đang theo, hành động mình cần làm với phương pháp cụ thể, nguyên tắc mạch lạc trên hành trình xây dựng nền văn hóa mới; vừa thể hiện tinh thần, bản sắc dân tộc, vừa thể hiện được tính khoa học, tiên tiến, đồng thời bảo đảm nhu cầu về sáng tạo, hưởng thụ, khơi dậy động lực tinh thần, giá trị của văn hóa Việt Nam.
Để văn hóa trở thành trụ cột phát triển bền vững, chúng ta phải có nguyên tắc để triển khai, có căn cứ lý luận, có giá trị thực tiễn để kế thừa, phát huy và mục tiêu hướng tới trong tương lai phải phù hợp với yêu cầu thời đại.
Trụ cột phát triển bền vững
. 80 năm trước, Đề cương đã coi văn hóa là một trong ba mặt trận, còn ngày nay theo bà văn hóa nên được nhìn nhận và đánh giá như thế nào?
+ Ngày nay văn hóa phải trở thành một trong những trụ cột của phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, sau Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hội thảo Văn hóa năm 2022... văn hóa được Đảng, Nhà nước ta quan tâm hơn, mặt khác, nhận thức đã có sự tập trung vào những giải pháp cũng mang tính cụ thể hơn. Để văn hóa trở thành trụ cột phát triển bền vững, chúng ta phải có nguyên tắc để triển khai, có căn cứ lý luận, có giá trị thực tiễn để kế thừa, phát huy và mục tiêu hướng tới trong tương lai phải phù hợp với yêu cầu thời đại.
. Cụ thể chúng ta cần phải làm gì để phát huy được các giá trị của văn hóa, thưa bà?
+ Theo tôi, nếu biết dựa vào văn hóa, tìm ra động lực, chúng ta sẽ khơi dậy được những giá trị rất quý báu của con người Việt Nam: Yêu nước, vì cộng đồng, thân thiện, sáng tạo... Để khơi dậy những điều đó, chúng ta phải tạo được môi trường thể chế đủ sức dung dưỡng, đủ sức khích lệ, đủ sức sáng tạo, tạo nên những tác phẩm, sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người Việt Nam. Mặt khác, nó phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, định vị được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Nói cách khác, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam chỉ phát huy được khi chúng ta định vị trong quá trình hội nhập với thế giới bằng tư duy khoa học, sáng tạo, khát vọng chấn hưng dân tộc, định vị bản sắc và kết nối cộng đồng người dân Việt Nam bằng những giá trị đầy thuyết phục trên phạm vi toàn cầu.
Các chủ thể văn hóa, các địa phương cần phải nhìn lại mục tiêu phát triển một nền văn hóa mới mà Đề cương đặt ra, các mục tiêu về phát triển văn hóa được đặt ra ở Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng như kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Căn cứ theo chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, có một hệ thống giải pháp đi kèm và nhìn thẳng vào thực tế của địa phương, xem xét địa phương có thế mạnh gì để phát triển văn hóa, đi theo lộ trình thế nào và lộ trình này phải gắn với tính liên vùng, liên ngành trên phạm vi toàn quốc, kết nối với quốc tế.
Xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa
. Bà từng đề cập đến việc xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa, theo bà điều này có ý nghĩa như thế nào?
+ Việc xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa là vấn đề chúng tôi luôn đau đáu quan tâm. Bởi nếu chúng ta không có một hệ thống dữ liệu toàn vẹn về văn hóa, sẽ rất khó xác định thực tế đóng góp của văn hóa cho kinh tế; các tác phẩm, sản phẩm, dịch vụ văn hóa của chúng ta đang ở các dạng thức gì, giá trị về mặt tinh thần và doanh thu ra sao… Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tiến hành xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa.
Từ những số liệu thực tiễn, mới có thể định lượng và chứng minh được văn hóa đang đóng góp gì. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn nhận được các tác phẩm mang tính đỉnh cao, những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của đại chúng và đâu là tác phẩm chứa đựng những giá trị để dự đoán được về tương lai. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính vì chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu về văn hóa nên chúng ta chưa có số liệu đáng tin cậy, thuyết phục để định vị thương hiệu.
. Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này.•
Tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO
Hiện nay Việt Nam là 1/12 quốc gia tham gia thí điểm xây dựng bộ chỉ số văn hóa gắn với phát triển bền vững với 22 chỉ số là khởi đầu thuận lợi giúp chúng ta có khung cơ bản để rà soát, định lượng sự phát triển văn hóa gắn với phát triển bền vững và bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt đa dạng văn hóa. Mặt khác, một số TP của chúng ta đã và đang trở thành một phần của mạng lưới các TP sáng tạo của Unesco.
Trong đó, Hà Nội đã trở thành TP sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và các TP như Đà Lạt, Hội An đang tích cực xây dựng hồ sơ đăng ký gia nhập mạng lưới này.
Mặc dù hoạt động triển khai các sáng kiến của Hà Nội sau bốn năm bên cạnh những chuyển động tích cực vẫn còn ít nhiều sự bất cập trong việc tạo sự chuyển động đồng bộ của các chủ thể tham gia một cách khoa học, hiệu quả và quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký của hai TP còn lại cũng cho thấy cần nhiều nỗ lực. Nhưng đây chính là các ví dụ sống động để trả lời cho câu hỏi: Địa phương cần phải làm gì để hiện thực hóa những nguyên tắc, giá trị của Đề cương trong bối cảnh đương đại.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dinh-vi-duoc-suc-manh-mem-van-hoa-viet-nam-post729932.html