Định vị phát triển Thủ đô sáng tạo
Thành phố sáng tạo là chủ trương lớn, xu hướng phát triển mới cho Hà Nội. Tuy nhiên, để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Thành phố sáng tạo, Hà Nội cần cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn.
Còn khoảng cách khá xa
Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào tháng 10.2019, là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và đang là thành phố duy nhất của Việt Nam tham gia Mạng lưới này. Đây là bước khởi đầu trong quá trình định vị sự phát triển của một Thủ đô sáng tạo, đặt văn hóa vào trọng tâm của chiến lược phát triển bền vững, thể hiện sự đổi mới có tính bước ngoặt của Hà Nội.
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo là cơ hội rất lớn để phát huy tiềm năng sáng tạo, đồng thời biến sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển của Hà Nội. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận xét: Kể từ khi tham gia Mạng lưới, có thể thấy nhiều khởi sắc trong hoạt động văn hóa ở Hà Nội. Các tuần lễ sáng tạo, lễ hội thiết kế sáng tạo, sự bùng nổ của các không gian sáng tạo... đang là những điểm nhấn, thể hiện khí thế sáng tạo của Thủ đô đã len lỏi đến từng góc phố, căn nhà, người dân. Nếu biết cách khai thác nguồn lực để phát huy hơn nữa nhiệt huyết này, chúng ta không chỉ có cơ hội tốt hơn cho phát triển văn hóa, mà còn với tổng thể kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Đến nay, Hà Nội từng bước triển khai các giải pháp. Thành ủy Hà Nội thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo. Thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Thành phố cũng đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, theo TS. Đỗ Thị Liên Vân, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, Thành phố chưa có trung tâm sáng tạo. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước...
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy sáng tạo
Để góp phần quảng bá cũng như thực hiện được các cam kết khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, TS. Đỗ Thị Liên Vân cho rằng, thành phố Hà Nội cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ. Đặc biệt, cần triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Nhận định Thành phố sáng tạo là chủ trương lớn, xu hướng phát triển chính cho Hà Nội, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần đổi mới, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực trong phát triển Thành phố sáng tạo. Việc huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo cũng là sự huy động nguồn lực cho sự phát triển bền vững Thủ đô. Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội tập trung vào hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa.
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Hà Nội nên thành lập một tổ chức hỗ trợ phát triển sáng tạo trực thuộc UBND thành phố, gồm đại diện của chính quyền thành phố, các hiệp hội có liên quan như âm nhạc, điện ảnh, doanh nhân sáng tạo, bản quyền, sân khấu… Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp. Rà soát bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Thành phố. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... theo quy định, mang đặc thù, phù hợp với điều kiện của Thủ đô.
Còn ThS. Lê Thị Trang, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, góp ý: thời gian tới, Hà Nội cần chú trọng hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ thống mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ - nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng và sẵn có của Hà Nội. Đây sẽ là một trong những bước đột phá quan trọng của Hà Nội nhằm xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo.