Định vị thương hiệu du lịch mùa thu Hà Nội

Mùa thu được coi là thời điểm 'vàng' của du lịch Thủ đô - mùa cao điểm đón khách, đặc biệt là khách quốc tế. Vì vậy, nhiều năm qua, Hà Nội luôn chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mùa thu, từng bước định vị thương hiệu điểm đến văn hóa đặc sắc cho Thủ đô.

Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội áo dài du lịch vào tháng 10-2024. Ảnh: Hoàng Quyên

Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội áo dài du lịch vào tháng 10-2024. Ảnh: Hoàng Quyên

Điểm đến của chuỗi sự kiện

Mùa thu - đông tại Hà Nội là thời điểm “vàng” để hút khách du lịch. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, sức hấp dẫn của Hà Nội vào thời điểm này không chỉ về thời tiết, mà còn bởi Hà Nội có rất nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn, những thức quà mang phong vị rất riêng.

Khai thác hiệu quả lợi thế này, nhiều năm nay, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch mùa thu gắn với các hoạt động, sự kiện kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của thành phố, như năm nay, Hà Nội ghi dấu sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với hàng chục sự kiện chào mừng hấp dẫn. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị đã xây dựng chuỗi sự kiện thường niên để hút khách vào mùa thu, như: Lễ hội quà tặng du lịch; Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội... Riêng năm nay, các sự kiện được làm đậm nét hơn để hưởng ứng dịp kỷ niệm đặc biệt này.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ cuối tháng 8 với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, đã thu hút hơn 20.000 lượt khách. Hiện Sở Du lịch đang chuẩn bị cho Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 4 đến 6-10 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long với Caraval diễu hành cùng áo dài, không gian sản phẩm quà tặng từ các làng nghề Hà Nội... và nhiều hoạt động trình diễn, quảng bá văn hóa sôi động khác.

Trong khi đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho Festival thu Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 15-9 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội) Nguyễn Hữu Việt thông tin, Festival thu Hà Nội sẽ có 150 gian hàng, cùng nhiều không gian quảng bá văn hóa, điểm đến du lịch Hà Nội, đặc biệt hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, như: Không gian cờ hoa, không gian "Hà Nội 12 mùa hoa", không gian ẩm thực "Hương sắc Hà Nội"...

Còn theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đơn vị đã sẵn sàng cho “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra ngày 6-10 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, với quy mô khoảng 10.000 người tham gia. Đây là một trong những ngày hội lớn của thành phố hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong đó không thể thiếu các màn diễu hành, trình diễn nghệ thuật, như: Trình diễn trống hội Thăng Long, giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ, từ nay đến cuối năm, Hà Nội còn nhiều sự kiện hứa hẹn thu hút đông đảo du khách, như: Tuần lễ thiết kế sáng tạo, Ngày Di sản Việt Nam...

Để du lịch thu trở thành “đặc sản”

Kênh truyền hình CNN của Mỹ từng nhận xét "Hà Nội - một trong 12 điểm đến lý tưởng nhất thế giới vào mùa thu". Xác định rõ lợi thế này, Hà Nội đang từng bước định vị thương hiệu du lịch mùa thu trở thành “đặc sản” để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, để du lịch mùa thu thật sự trở thành điểm đến hút khách quốc tế trong hành trình khám phá Việt Nam thì bên cạnh tổ chức các sự kiện, Hà Nội còn cần thêm nhiều giải pháp, đặc biệt là sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng sản phẩm, quảng bá và tuyên truyền.

Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng điểm đến và có lợi thế là trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Tuy nhiên, để thu hút du khách đến và lưu trú lâu dài, Hà Nội không chỉ quan tâm các điểm du lịch nội đô mà cần phát triển các sự kiện văn hóa, thể thao, xây dựng sản phẩm du lịch mới ở ngoại thành Hà Nội.

Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt, du khách đến Thủ đô không chỉ bị thu hút bởi các sự kiện mà còn bởi cảnh đẹp, ẩm thực đặc sắc vào mùa thu. Du khách có thể thong dong đi trên các con phố Thanh Niên, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Tràng Thi... hay dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, cầu Long Biên; ngồi cà phê thưởng thức đặc sản cốm tại phố Nhà Thờ... Dù vậy, hiện nay nhiều điểm du lịch, điểm check-in đang bị quá tải, có phần lộn xộn, vì thế Hà Nội cần quan tâm đến vấn đề quản lý điểm đến, đô thị, có hướng dẫn và cảnh báo cho du khách tại những điểm đông khách. Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, Hà Nội nên đẩy mạnh phát triển những sản phẩm ẩm thực mùa thu để tăng trải nghiệm cho du khách.

Theo các chuyên gia, mùa du lịch cao điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 4 năm sau, Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch có sức hấp dẫn lớn với du khách quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành Du lịch đã xác định phát triển du lịch mùa thu trở thành thương hiệu của Hà Nội. Thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức chuỗi sự kiện, hoạt động vào mùa thu, Sở Du lịch sẽ tăng cường quảng bá, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch mới, đưa khách tới Hà Nội nhiều hơn nữa.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-mua-thu-ha-noi-676779.html