Định vị thương hiệu thành phố sáng tạo

Tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, hoạt động văn hóa của Hà Nội có nhiều khởi sắc. Các tuần lễ sáng tạo, lễ hội thiết kế sáng tạo,... là những điểm nhấn, thể hiện tinh thần sáng tạo đã len lỏi đến từng góc phố, căn nhà, người dân Thủ đô.

Mạch nối không gian sáng tạo

10 năm qua, cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) đã trở thành một lối đi bộ quen thuộc, an toàn, thuận tiện của nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, người bán hàng rong và học sinh. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, cây cầu đã trở nên khá cũ kỹ, có dấu hiệu xuống cấp, thiếu ánh sáng vào buổi tối. Vừa qua, cây cầu đi bộ này đã được biến thành “thủy cung trên cạn” với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ánh sáng tương tác.

Chương trình nghệ thuật trong Festival Thu Hà Nội năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng

Chương trình nghệ thuật trong Festival Thu Hà Nội năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng

Điều đặc biệt, dự án cầu đi bộ Trần Nhật Duật giống như một mảnh ghép, nối liền hai khu vực phố cổ - trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm và khu vực dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, dự án công viên rừng Phúc Tân do nhóm Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong TP) khởi xướng.

Cùng với những gạch nối mới như cây cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật, thời gian qua, phố bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… được đổi mới từng ngày, tạo nên hệ thống không gian sáng tạo đa dạng, đa màu sắc của Hà Nội. Đây chính là những ví dụ sinh động nhất cho thấy những bước đi cụ thể, đột phá để Hà Nội hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025… Đồng thời, Hà Nội cũng phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Theo đó, bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” cho sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ, thông qua việc tổ chức các cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo, như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”; đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam...

Một trong những điểm nhấn quan trọng khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo là Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UN Habitat tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo thường niên, trong đó mỗi năm chọn một chủ đề khác nhau. Năm 2021 chọn chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, năm 2022 chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”; năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” và được tổ chức tại các di sản công nghiệp gắn với Hà Nội như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… với nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm trưng bày, thu hút hơn 200.000 khách tham quan.

Qua những hoạt động trên có thể thấy, sức sống của một thành phố sáng tạo đang bừng trỗi dậy. Các tuyến phố đi bộ, những cây cầu vượt, khu tập thể cũ, nhà máy cũ, thậm chí cả những nơi trước đây đã từng là bãi rác ô nhiễm, không ai muốn tới, giờ đây đã trở thành địa điểm thơ mộng, check-in cho giới trẻ, phục vụ cho đời sống người dân.

Tiếp tục khuyến khích đổi mới, sáng tạo

Cho đến nay, nhiều thành phố sáng tạo lớn ở châu Âu, châu Á cũng đã xây dựng thương hiệu riêng và hiện đã trở thành điểm đến cả về văn hóa, điện ảnh và du lịch, như Cannes, Berlin, Venice, Florence, Seoul, Kobe, Singapore, Sydney… Đằng sau việc trở thành một điểm đến văn hóa như vậy, có những mối lợi lớn về nhiều mặt đem lại cho đất nước và người dân. Từ bài học thành công của các thành phố sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đã và đang nỗ lực tìm kiếm con đường bứt phá phù hợp, tận dụng cơ hội, phát huy điểm mạnh để phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có cơ hội học hỏi rất lớn từ kinh nghiệm của các TP bạn. Có thể thấy, để khai thác hiệu quả tiềm năng làng nghề, phải giúp các làng nghề giữ được nghề, phát triển thịnh vượng từ nghề truyền thống. Và điều đó phải dựa vào các trụ cột về thiết kế - cộng đồng - sáng tạo, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Nhà nước trong chính sách đào tạo nghề, công tác quản trị, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, phát triển thị trường. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải thời trang, chạm vào cảm xúc của người mua.

Để giữ vững và phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo trên lĩnh vực thiết kế, Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các không gian sáng tạo nói riêng, công nghiệp sáng tạo nói chung. Tháng 6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này như một cú hích, tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội. Đơn cử, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đã thiết kế những điều khoản, điều luật (Điều 23) nói rất rõ về phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo.

Theo đó, Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, Luật quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Để thực hiện cam kết, Hà Nội đã và đang cụ thể hóa bằng chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn, kết nối các chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa, sức mạnh mềm của Hà Nội nói chung.

Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các TP toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà

Có thể khẳng định, việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo góp phần không nhỏ tạo động lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đó là khả năng huy động được nguồn lực ở các lĩnh vực khác nhau mà Hà Nội có thế mạnh, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị về văn hóa vừa có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch Hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến

An Nhiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dinh-vi-thuong-hieu-thanh-pho-sang-tao.html