Định vị tương lai Đà Nẵng

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất sớm ban hành một Nghị quyết mới cho TP.

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất sớm ban hành một Nghị quyết mới cho TP.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 (NQ33) và Kết luận số 75 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, song trong bối cảnh mới cũng đang vướng phải nhiều điểm nghẽn. Để tạo động lực mới cho TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng là đầu tàu của miền Trung, Bộ Chính trị đã thống nhất sớm ban hành một Nghị quyết mới cho TP.

Vậy tương lai phát triển Đà Nẵng sẽ được định vị thế nào?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận 2 điểm ấn tượng nhất của Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện NQ33 là sự năng động sáng tạo và phát triển hài hòa. Quả thực, NQ33 mở ra cho Đà Nẵng cơ chế, còn cách làm sáng tạo để biến cơ chế thành động lực thu hút các nguồn lực đầu tư, kiến thiết TP thì Đà Nẵng đã làm tốt. Có thể kể đến những sáng tạo mang tính điển hình của Đà Nẵng như tạo vốn từ khai thác quỹ đất rồi lại dùng nguồn thu từ đất đầu tư hạ tầng làm nền tảng kêu gọi đầu tư. Trong một giai đoạn nguồn lực còn hạn hẹp thì cách làm này được sự đồng thuận của người dân trong giải tỏa đền bù, từ đó giúp quy mô đô thị Đà Nẵng tăng lên gần 4 lần, hạ tầng đô thị hiện đại, nhiều công trình, dự án lớn được triển khai. Có thể dẫn chứng ngành dịch vụ du lịch Đà Nẵng hiện tạo dựng được thương hiệu quốc tế, có hệ thống lưu trú đứng thứ 2 cả nước, đặc biệt hạ tầng du lịch ven biển phía Đông TP mang diện mạo như Hồng Kông, Singapore. Có điều đó cũng nhờ Đà Nẵng đầu tư cho nền tảng cơ sở hạ tầng từ rất sớm.

Trong giai đoạn 15 năm thực hiện NQ33, tổng sản phẩm quốc nội của TP tăng bình quân 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 gấp 7 lần năm 2003 (3.677 USD), tổng thu ngân sách hơn 188 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 14%. Song, điều ấn tượng hơn, sự phát triển của Đà Nẵng khá hài hòa, hay nói cách khác phát triển mang tính bao trùm. Nhiều chính sách rất nhân văn là đặc trưng của Đà Nẵng như “5 không”, “3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an”. Đặc biệt Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước. Vì thế, nhiều du khách vẫn nhìn nhận Đà Nẵng có môi trường sống tốt.

Hạ tầng du lịch phía Đông TP đã phát triển hiện đại, mang thương hiệu quốc tế.

Hạ tầng du lịch phía Đông TP đã phát triển hiện đại, mang thương hiệu quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của Đà Nẵng đang vướng phải những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ. Cụ thể như hạn chế về nguồn lực đầu tư phát triển khiến năng lực cung cấp các dịch vụ đô thị có chất lượng của TP bị ảnh hưởng (sân bay, bệnh viện quá tải, giao thông tắc nghẽn cục bộ, ngập úng, ô nhiễm bãi biển). Nếu dân số TP tiếp tục tăng đạt 2,5-3 triệu người mà cấu trúc đô thị, các nguồn tài nguyên vẫn như hiện nay thì Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi sự giảm sút về môi trường sống, vị thế cửa đến du lịch của cả khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, NQ33 xác định phát triển Đà Nẵng là TP động lực, đầu tàu miền Trung, tuy vậy vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... của Đà Nẵng chưa như kỳ vọng. Quy mô kinh tế Đà Nẵng quá nhỏ, tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước, trong khi tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút, xuất hiện tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ cho phát triển.

Với những điểm nghẽn như vậy, Đà Nẵng muốn bứt phá phát triển cần một “tấm áo mới” đủ rộng. Theo đề xuất của Đà Nẵng, TP muốn thí điểm chính quyền đô thị theo hướng tự quyết, tự chịu trách nhiệm với một số vấn đề. Cụ thể, TP được chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch tùy theo tình hình thực tế phát triển; thí điểm xây dựng mô hình chính quyền cảng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Đà Nẵng muốn được ủy quyền ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài về đầu tư phát triển; được thí điểm cơ chế ưu đãi đặc biệt (thuế, đất đai, nhà ở, dịch vụ hành chính công) trong thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, Đà Nẵng đề xuất cơ chế điều tiết ngân sách về Trung ương hợp lý, dành nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển TP nhiều hơn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng cần được phân cấp, giao quyền mạnh hơn, đồng thời cần được áp dụng cơ chế đặc thù như TPHCM. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong giai đoạn tới Đà Nẵng cần phát triển thành trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm logistics và công nghiệp công nghệ cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đà Nẵng chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh biển đảo. Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết mới cho Đà Nẵng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Như vậy với Nghị quyết mới sẽ tạo động lực đủ lớn để Đà Nẵng phát triển bứt phá trong thời gian tới. Mục tiêu tới năm 2030, Đà Nẵng sẽ là trung tâm KT-XH lớn của Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm về du lịch, thương mại, tài chính, logistics, CNTT, công nghiệp CNC... Đà Nẵng cũng sẽ được tập trung xây dựng thành đô thị biển quốc tế, hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của miền Trung.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_200429_dinh-vi-tuong-lai-da-nang.aspx