Dịp 20/10, đưa nàng về Bình Liêu mùa cỏ lau
Không chỉ là những cung đường phượt hùng vĩ mà khung cảnh nơi đây càng thêm phần thơ mộng khi phủ một màu trắng xóa của cánh đồng cỏ lau nở rộ khắp cả sườn đồi.
Là một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270 km. Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được ví như một "Sa Pa thu nhỏ".
Chẳng thua kém những cung đường phượt Tây Bắc, vào độ tháng 10 Bình Liêu gây ấn tượng bơi cánh đồng cỏ lau trắng muốt nở rộ trên "sống lưng khủng long" hùng vĩ. Vì vậy, còn gì tuyệt vời hơn nếu trong dịp Phụ nữ Việt Nam 20/10, các bạn nam đưa bạn nữ nhà mình đi chơi ở đây.
Bình Liêu cũng có những ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ. Không hùng vĩ và rộng lớn như các vùng cao Tây Bắc, nhưng mùa lúa Bình Liêu với sắc vàng nổi bật lên giữa màu xanh của núi rừng. Mùa lúa chín ở Bình Liêu vào cuối tháng 7 và tháng 10.
Mùa cỏ lau trắng không chỉ dệt nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà còn nên thơ làm say đắm bất cứ vị khách nào đến ghé thăm. Những ngày thời tiết sang thu, không khí dần se lạnh, khiến cho mọi thứ càng trở nên hòa quyện hơn, đánh thức mọi giác quan. Được đến Bình Liêu vào thời gian này, tận hưởng thiên nhiên trong lành vừa được chụp ảnh thì còn gì tuyệt vời hơn.
Trải nghiệm
Mốc biên giới
Cung đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu sẽ mê hoặc các phượt thủ. Nằm trên độ cao 700 m so với mực nước biển, đường không quá lắt léo khó đi mà còn băng qua núi non trùng điệp, những cánh đồng thơ mộng để bạn chiêm ngưỡng phong cảnh nên thơ.
Là vùng biên giới có gần 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên ở Bình Liêu, bạn nên thuê xe máy hoặc đi bộ men theo đường mòn đồi núi để chinh phục các cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bốn cột mốc chính không nên bỏ qua gồm cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327.
Sau khoảng một tiếng chạy từ thị trấn Bình Liêu về hướng Hoành Mô trên QL18C, rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng rồi rẽ trái theo hướng mốc 61 chừng 8km là đến mốc 1300, 1302.
Tiếp đó là hành trình chinh phục mốc 1305, cột mốc nằm ở đỉnh núi cao nhất ở huyện Bình Liêu. Từ cột mốc 1302 chạy tiếp 9 km nữa sẽ đến con đường mòn nằm giữa núi mang biệt danh "sống lưng khủng long".
Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đi trên "sống lưng khủng long" ngập cỏ tranh, bạn cũng được phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu và cảm nhận mình thật nhỏ bé giữa đất trời bao la. Trekking băng qua nơi này trong ít nhất 2 tiếng nếu thời tiết tốt, bạn sẽ đến cột mốc 1305.
Với cột mốc 1327 thuộc bản Phạt Chỉ xã Đồng Văn, bạn có thể hỏi bộ đội biên phòng để nắm rõ lộ trình hơn. Trên đường đến cột mốc 1327, bạn sẽ đi qua thêm nhiều cột mốc khác.
Chinh phục đỉnh Cao Xiêm
Đỉnh Cao Xiêm còn gọi là đỉnh Khau Khoang hoặc Cột Cờ, là điểm du lịch thuộc địa bàn huyện vùng biên Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Với độ cao 1.429 m so với mực nước biển, Cao Xiêm còn được mệnh danh là "nóc nhà" của tỉnh Quảng Ninh.
Cung đường từ chân núi lên đỉnh Cao Xiêm dài khoảng hơn 7 km nên có thể kết hợp vừa leo núi vừa cắm trại dã ngoại trong ngày. Đường đi chủ yếu là lối mòn men theo sườ
Săn mây trên đỉnh Cao Ly
Cao Ly là dãy núi cao trải dài với diện tích trên 40 km2 với 8 đỉnh cao hơn 1.000 m thuộc huyện biên giới Bình Liêu. Núi Cao Ly còn gọi là núi Cô Đơn cách trung tâm xã Húc Động hơn 10 km là một điểm cắm trại, dã ngoại phù hợp cho các nhóm bạn trẻ, hoặc gia đình nhỏ.
Nếu khoảng tháng 7-9, Cao Ly hấp dẫn du khách vì hoa mua nở nhuộm tím các vạt đồi thì đến cuối năm tháng 10 trở đi, nơi này lại là điểm săn biển mây lý tưởng. Điểm cắm trại cách đỉnh khoảng 30-40 phút leo bộ, xe máy và ôtô cá nhân có thể tới tận điểm trại.
Thác Khe Vằn
Trong thời gian khám phá núi Cao Ly, du khách di chuyển thêm 15, kết hợp tham quan thác Khe Vằn có 3 tầng và là thác nước cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Nếu đi từ thị trấn Bình Liêu, bạn hỏi đường vào xã Húc Động để đến Thác Khe Vằn, bạn sẽ được ngắm ba tầng thác tuyệt đẹp ở nơi từng là chốn hẹn hò của trai gái Sán Chỉ.
Thác Khe Vằn thuộc xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 100 km và cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12 km về hướng đông nam.
Thác nước cao gần 100 m được chia thành 3 tầng rõ rệt, mỗi tầng thác lại mang một vẻ đẹp khác nhau.
Tầng thác đầu tiên đón chào du khách bởi một không gian rộng lớn, chính giữa có một tảng đá nhô lên tựa như một con voi đang trong thế phủ phục, xung quanh là hàng trăm những khối đá to nhỏ.
Lên đến tầng thứ hai của thác nước, du khách sẽ thấy dòng nước đổ xuống được chia làm hai, một bên to, một bên nhỏ ấn tượng. Cuối cùng, khi đã chinh phục được đến tầng cao nhất của thác nước, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.
Chợ phiên Bình Liêu
Chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu là phiên chợ của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… trên địa bàn huyện và một số người buôn bán từ các huyện lân cận như Tiên Yên, Đầm Hà. Chợ phiên Bình Liêu mang đậm nét văn hóa chợ vùng cao biên giới.
Đồng bào dân tộc đến chợ để gặp gỡ, giao lưu, ăn uống… trao đổi hàng hóa nông sản, đồ dùng thiết yếu. Trước đây, chợ phiên truyền thống ở Bình Liêu thường họp vào các ngày lẻ (thứ 3, 5, 7). Ngày nay, khi điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng phát triển hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, chợ chuyển sang họp thường xuyên để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Chợ nhộn nhịp nhất vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Đến phiên chợ Bình Liêu vào ngày Chủ nhật, du khách sẽ bắt gặp một không khí sôi động, người bán, kẻ mua tấp nập, cùng với sắc màu rực rỡ bởi những trang phục của đồng bào người dân tộc Dao khi xuống chợ.
Ngoài chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu, chợ phiên Đồng Văn cũng mang một nét rất riêng, mặc dù chợ có quy mô nhỏ hơn so với chợ trung tâm thị trấn Bình Liêu. Chợ Đồng Văn họp ở địa bàn trung tâm xã, đây là nơi tụ họp, trao đổi buôn bán và giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Đồng Văn. Hàng hóa tại chợ cũng rất phong phú, đủ loại từ đồ dùng sinh hoạt, quần áo, giày dép, thực phẩm, đến các đồ nông sản đặc trưng của địa phương…
Phiên chợ thường đông đúc vào ngày thứ 7 và Chủ nhật. Đặc biệt, nhất là chợ phiên gắn với “Ngày kiêng gió” của dân tộc Dao Thanh Phán (ngày 4-4 âm lịch). Vào ngày này, người Dao kiêng kị không đi làm nương, rẫy, đi rừng… Họ nghỉ ngơi, tụ tập tại chợ phiên để gặp gỡ, giao lưu cùng nhau ăn uống, hát làn điệu Sán cố, tấu kèn đồng bào mình. Vì vậy, phiên chợ trở nên đông vui nhộn nhịp, mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao.
Đình Lục Nà
Đình Lục Nà thuộc xã Lục Hồn, đây là ngôi đình duy nhất hiện nay ở huyện Bình Liêu. Đình Lục Nà đã được xây dựng từ cách đây rất lâu đó là vào thời kỳ Hậu Lê. Đình Lục Nà là nơi thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Cần, đây là một vị tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi và quê hương yêu dấu. Lễ hội Đình Lục Nà khai hội vào 16 tháng Giêng hàng năm.
Nếu mang trong mình một tâm hồn yêu thích thiên nhiên và một đôi mắt mê mẩn những cảnh đẹp thì du lịch Bình Liêu Quảng Ninh là điểm đến không thể lý tưởng hơn vào mùa hè này. Và sẽ hoàn hảo hơi khi trong dịp 20/10 nay, những người phụ nữ được người thương của mình quan tâm và chăm sóc./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dip-20-10-dua-nang-ve-binh-lieu-mua-co-lau/261633.html