Dịp nghỉ lễ 2/9 các điểm du lịch, khu di tích đón lượng khách tăng đột biến

Sự kết hợp giữa các sự kiện văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch mới đã thu hút đông đảo du khách, tạo nên kỳ nghỉ lễ 2/9 sôi động và đầy màu sắc.

Du lịch dịp Quốc khánh 2/9 sôi động

Tết Độc lập năm 2024, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ lượt khách đổ về các điểm du lịch và khu di tích nổi tiếng.

Trong bốn ngày nghỉ lễ, thành phố Hà Nội đã đón khoảng 672.900 lượt khách tham quan, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách quốc tế đạt 58.900 lượt, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khách nội địa cũng đạt 614.000 lượt, tăng 3,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.180 tỷ đồng, tăng 8,3%.

Những con số này cho thấy sự hồi sinh của du lịch Thủ đô, đồng thời khẳng định vị trí của Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Nhiều khu di tích và điểm du lịch tại Hà Nội đã thu hút lượng khách đông đảo, tiêu biểu như:

Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) đón 76.671 lượt khách, nơi đây không chỉ là điểm vui chơi giải trí mà còn mang đến trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên cho các gia đình.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc đưa con ra Công viên Thủ Lệ để tham quan và cũng là để cho các con ngắm và tìm hiểu về các động vật (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc đưa con ra Công viên Thủ Lệ để tham quan và cũng là để cho các con ngắm và tìm hiểu về các động vật (Ảnh: Hữu Thắng).

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 47.000 lượt khách đã đến đây để tận hưởng không khí trong lành, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật và thưởng thức ẩm thực đường phố.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò thu hút 28.020 lượt khách, điểm đến này đã tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu về lịch sử dân tộc, những đau thương và mất mát trong quá khứ.

Đặc biệt trong dịp này, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tặng 28.000 suất quà cho du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay tổ chức Chương trình “Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội năm 2024” diễu hành qua các tuyến phố nổi tiếng, kết hợp giữa đạp xe và khám phá những địa điểm di sản văn hóa tiêu biểu. Hoạt động này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp truyền thống, mà còn khuyến khích du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định rằng Sở đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch. Các biện pháp này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du khách, đồng thời duy trì hình ảnh tích cực của du lịch Hà Nội.

Tại tỉnh Tuyên Quang cũng không kém phần sôi động khi đón trên 100.000 lượt khách du lịch trong dịp Quốc khánh 2/9. Doanh thu ước đạt 185 tỷ đồng. Đặc biệt, với thời gian nghỉ lễ gần kề Trung Thu, các hoạt động rước và diễu mô hình đèn Trung thu khổng lồ đã thu hút khoảng 40% du khách đến đây.

Một số điểm du lịch nổi bật tại Tuyên Quang bao gồm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương): Đón 30.000 lượt du khách, nơi đây không chỉ là dấu ấn lịch sử mà còn là điểm đến giáo dục về truyền thống cách mạng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình ghi nhận 16.000 lượt khách, khu vực này nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và hệ sinh thái đa dạng.

Thời gian nghỉ lễ gần kề Trung Thu, các hoạt động rước và diễu mô hình đèn Trung thu khổng lồ tại tỉnh Tuyên Quang đã thu hút khoảng 40% du khách đến đây (Ảnh: Kim Thoa).

Thời gian nghỉ lễ gần kề Trung Thu, các hoạt động rước và diễu mô hình đèn Trung thu khổng lồ tại tỉnh Tuyên Quang đã thu hút khoảng 40% du khách đến đây (Ảnh: Kim Thoa).

Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đón hơn 13.000 lượt khách đến đây trải nghiệm những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thư giãn giữa thiên nhiên.

Ngoài ra, lượng khách cũng tham gia các hoạt động trải nghiệm mô hình đèn Trung thu tại thành phố Tuyên Quang.

Để chào đón du khách, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, tạo không gian vui tươi và hấp dẫn. Lễ hội Thành Tuyên năm 2024 diễn ra từ 31/8 đến 15/9 đã được xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo nhất Việt Nam, tạo nên nét đặc trưng riêng cho tỉnh.

Trong dịp này, tỉnh Ninh Bình cũng ước đón 374.000 lượt khách, doanh thu ước đạt gần 650 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, khách quốc tế ước đạt 74.000 lượt khách, tăng 276,7% so với 2023 (19.646 khách).

"Công suất sử dụng phòng đạt bình quân 85 - 90%, riêng tối 31/8 - 1/9 đạt 100% công suất sử dụng phòng, ngoài ra trong dịp này tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch như:

Lễ hội văn hóa ẩm thực Tam Cốc; Chương trình văn nghệ hàng đêm tại khu phố cổ Hoa Lư; Khai thác điểm du lịch mới chùa Vàng; Tổ chức đón tiếp đoàn 4.500 du khách Ấn Độ tham quan Tràng An...

Tại các khu, điểm du lịch đón lượng khách lớn, tình hình an ninh trật tự, văn minh du lịch được đảm bảo, hình ảnh du lịch Ninh Bình xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước", ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay.

Sản phẩm du lịch mới hút khách

Dịp Tết Độc lập năm 2024, các địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực làm mới và mở rộng các sản phẩm du lịch để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Từ những hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc đến các chương trình khuyến mãi và gói dịch vụ đi kèm, tất cả đều góp phần thu hút lượng khách lớn và gia tăng thời gian lưu trú.

Tại Mộc Châu, Sơn La, không khí Tết Độc lập tràn ngập đường phố với những điệu xòe truyền thống và điệu múa đặc sắc. Khu vực này đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, tạo nên một không gian lễ hội đầy màu sắc và sinh động.

Các hoạt động đường phố được biểu diễn tại một số điểm trên tuyến quốc lộ 6, đường nội thị của huyện Mộc Châu thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, tham gia trải nghiệm.

Các hoạt động đường phố được biểu diễn tại một số điểm trên tuyến quốc lộ 6, đường nội thị của huyện Mộc Châu thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, tham gia trải nghiệm.

Các hoạt động này không chỉ giúp du khách trải nghiệm văn hóa địa phương mà còn gia tăng sự hấp dẫn của Mộc Châu như một điểm đến lý tưởng trong mùa lễ hội.

Than Uyên, Lai Châu đã thu hút sự chú ý của du khách với chương trình “Lung linh sắc màu Than Uyên”. Sự kiện này mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc của địa phương, từ các màn trình diễn nghệ thuật đến các lễ hội truyền thống.

Chương trình là một trong những điểm nhấn quan trọng của mùa du lịch Tết Độc lập, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách.

Tại Hà Nội, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức phiên chợ vùng cao “Vui Tết Độc lập” thành công. Sự kiện này không chỉ thu hút đông đảo du khách mà còn góp phần giới thiệu các sản phẩm văn hóa, ẩm thực và nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Đây là cơ hội để du khách tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số.

Mù Cang Chải, Yên Bái đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Dáng hình đất nước” và lễ hội Sơn Tra, Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng - mùa vàng 2024" thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Những sự kiện này không chỉ nổi bật về mặt văn hóa mà còn tạo ra một không gian lễ hội tươi vui và ấn tượng, làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi đến với Mù Cang Chải.

Hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch vụ xe buýt 2 tầng tham quan thành phố được mở thêm tuyến và phố thương mại - ẩm thực Sky Garden được khai trương. Sự đổi mới này đã làm phong phú thêm các lựa chọn cho du khách và giúp tăng cường trải nghiệm du lịch tại thành phố lớn nhất Việt Nam.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dip-nghi-le-2-9-cac-diem-du-lich-khu-di-tich-don-luong-khach-tang-dot-bien-204240904153045922.htm