Dịp Valentine, tặng bó 'hoa tiền' coi chừng vi phạm pháp luật

Những năm gần đây, vào các dịp lễ Tình nhân 14/2, Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay 20/10, nhiều người thường lựa chọn những món quà sử dụng tiền để làm hoa dành tặng cho những người thân yêu của mình. Vậy việc sử dụng tiền để làm hoa được pháp luật quy định như thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những năm gần đây, việc tặng hoa làm từ các tờ tiền với nhiều mệnh giá khác nhau trong các ngày lễ, sinh nhật,… đang trở nên “hot”. Nhiều người cho rằng, việc làm hoa từ tiền thật vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế, do đó tặng hoa từ tiền thật trở nên phổ biến là điều dễ hiểu.

Theo đó, các bó hoa này được làm từ các đồng có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng tiền giấy hoặc tiền Polime. Những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để sau đó xếp lại thành bó hoa tiền đẹp mắt.

Tuy nhiên, trong quá trình kết hoa nếu dùng vật nhọn và các chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dễ dẫn đến rách, biến dạng và gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ. Với những người làm hoa bằng tiền để bán, họ cũng chia sẻ rằng nếu muốn các tờ tiền dính tốt hơn, để lâu hơn phải sử dụng keo dính có độ bền chặt nhưng khi gỡ ra thì tiền lại dễ bị rách.

Dưới góc độ pháp lý, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền,...

Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam, tuy nhiên nếu trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc,… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 31, Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng quy định mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam và có thể bị tịch thu tang vật phương tiện theo quy định. Trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở một số hộ kinh doanh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ tiền Việt Nam. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các hành vi gây hư hỏng, làm rách khiến cho tiền không có giá trị lưu thông hay khó khăn trong việc kiểm, đếm.

Tiền tệ với vai trò quan trọng là phương tiện thanh toán, là công cụ dùng để trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, giữa trong, ngoài của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Tiền Việt Nam giữ vai trò quan trọng đối với sự vận hành của nền kinh tế nước ta. Vì vậy, bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam, không làm hư hỏng đồng tiền, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân.

T.Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dip-valentine-tang-bo-hoa-tien-coi-chung-vi-pham-phap-luat-322880.html