DISOCO đổi mới công nghệ: Năng suất tăng gấp 3 lần
Năng suất tăng gấp 3 lần nhưng sử dụng lao động giảm 1/3; tiêu hao cát để làm khuôn rất thấp do có thể tái sinh đến 95%; phế phẩm chỉ khoảng 3 -5% trong khi công nghệ cũ thường trên 10%; môi trường làm việc được cải thiện đáng kể là những lợi ích mà Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (DISOCO) có được khi đầu tư đổi mới công nghệ đúc.
Hiệu quả của dự án đầu tư
Sau một năm đầu tư, lắp đặt thiết bị, giữa tháng 12/2019, dây chuyền đúc khuôn cát tươi tự động được hãng Sinto (Nhật Bản) chuyển giao cho DISOCO với tổng giá trị đầu tư hơn 245 tỷ đồng được chạy thử và cho ra những sản phẩm chất lượng ổn định, bề mặt sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, phù hợp sản xuất loạt lớn, các sản phẩm có hình dạng phức tạp.
Theo ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc DISOCO, là một trong những nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đa quốc gia, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, sản phẩm của công ty phải đảm bảo cạnh tranh ở cả 3 tiêu chí: Chất lượng, giá và thời gian giao hàng. Để đạt được điều này, đòi hỏi công ty không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, liên tục cải tiến tăng cường hệ thống quản lý.
Dây chuyền đúc mới tự động với sản lượng thiết kế 10.000 tấn phôi đúc /năm, năng suất dây chuyền mới chỉ cần 1 máy làm khuôn tự động, nhưng sản lượng bằng 3 lần dây chuyền cũ với hàng chục máy làm khuôn. Số lượng nhân công của dây chuyền cũ 120 người/3 ca nhưng dây chuyền mới chỉ cần số lao động không đến 2/3. Như vậy, năng suất lao động tính theo sản lượng trên số lao động tăng ít nhất 4,5 lần.
Đặc biệt, dây chuyền tự động được trang bị các lò nấu cảm ứng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu về an toàn lao động và môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiêu hao điện giảm tới 30% so với các lò kiểu cũ. Dây chuyền hỗn hợp làm khuôn có khả năng tái sinh đến 95% lượng cát cho sản xuất; không phát sinh nước thải trong sản xuất; hệ thống kiểm soát tự động và cảnh báo các sự cố về thiết bị trong quá trình vận hành cũng như tự động lưu trữ các dữ liệu cần thiết cho sản xuất.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
"Khi tham gia chuỗi cung ứng, việc đầu tư đổi mới sẽ cho các chỉ tiêu cạnh tranh tốt hơn. Chất lượng cải thiện được khách hàng đánh giá cao. Năng suất lao động tăng và tỷ lệ phế phẩm giảm, dẫn đến giảm giá thành tiết kiệm chi phí. Việc giảm thiểu các phế phẩm phát hiện trong quá trình gia công có ý nghĩa rất tích cực đối với khách hàng cũng như nhà sản xuất... Tuy nhiên, khi sản xuất với sản lượng lớn, hệ thống quản lý phải đáp ứng duy trì các chỉ tiêu kỹ thuật và công nghệ ổn định" - ông Hoàng Văn Minh cho biết.
Cùng với đổi mới công nghệ, những năm qua, DISOCO không ngừng duy trì áp dụng hiệu quả các hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất như: ISO9000; ISO14.000; ISO50.000; IATF16949, 5S, Kaizen… Đồng thời, đầu tư các phần mềm chuyên ngành có bản quyền, thiết bị kiểm tra hiện đại, bảo đảm mọi yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao nhất của khách hàng.
Thời gian tới, DISOCO sẽ tiếp tục hướng đầu tư ưu tiên công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực tạo phôi. Dây chuyền đúc vừa đầu tư chỉ bắt đầu của xu hướng đầu tư hiện đại. Song song với dây chuyền đúc khuôn tươi, việc đầu tư đúc mẫu cháy hiện đại bổ sung cho khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của vật đúc. Ngoài ra, đầu tư nâng cao năng lực cũng như đổi mới công nghệ rèn cũng không thể thiếu nhằm nâng cao năng lực tạo phôi.
Ông Ngô VănTuyển- Quyền Tổng giám đốc VEAM (Công ty mẹ của DISOCO):
Đầu tư công nghiệp hỗ trợ chính là tạo nền móng phát triển bền vững của sản phẩm công nghiệp. Ngoài đáp ứng mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trong nước, hướng đầu tư của VEAM là đáp ứng các chuỗi cung ứng của sản phẩm toàn cầu.