Dịu dàng hoa trắng biên cương

Đã từ lâu, tôi yêu màu hoa sở, màu hoa của núi rừng đại ngàn quê hương em. Em là chi mà hấp dẫn tôi đến thế, để mỗi năm lại cuốn tôi về Bình Liêu, Quảng Ninh vào mùa lễ hội hoa sở - loài hoa được người dân tôn vinh là biểu tượng của vùng đất nơi này, tôi gặp lại một màu núi trắng. Cả một vùng núi trắng muốt màu hoa. ....

Hoa sở.

Hoa sở.

Lần đầu nhìn thấy, cây hoa sở, nhác trông, tôi nghĩ đó là cây chè. Nhưng không phải, đó là cây sở, hay còn gọi là trà mai hoặc trà mai hoa, là loại cây cổ thụ, lá dày dặn và cứng hơn lá chè. Hoa thì nhìn giống hệt hoa chè, nhưng nhiều cánh, là loại cánh kép, khi nở cũng từ từ đội các lớp đài lên mà khoe lớp cánh lụa là ngà ngọc. Những cánh hoa trắng muốt, nhụy vàng tươi cứ bung ra mà nở, cứ rộ lên mà trắng, cứ xòe ra mà rung rinh, khoe sắc tinh khôi, khoe mùi hương dìu dịu với đất trời hoang sơ, kỳ vĩ.

Ta chỉ nhận ra cánh rừng hoa sở khi mùa Đông về, hoa sở nở rộ, tạo thành những thảm hoa trắng muốt trên nền lá xanh đậm. Ấn tượng với loài hoa này vào một lần về quê em đúng mùa hoa sở trổ bông. Tôi và em nắm tay nhau đi trong bình yên mà ngắm thiên nhiên tươi đẹp của mùa Đông.

Chúng tôi đi dưới những vòm cây hoa trắng. Khắp nơi, đâu đâu cũng trắng một màu hoa sở. Em dẫn tôi đi trên con đường núi cao chênh vênh để ngắm quang cảnh rừng núi quê em trùng điệp. Hai bên con đường “sống lưng khủng long”, hoa lau trắng phất phơ, mơ màng, lay lay trong gió, tạo nên một khung cảnh lãng mạn, nên thơ. Những dãy ruộng bậc thang trải dài, đẹp như một bức tranh phong cảnh khổ rộng.

Đâu đó, tiếng mõ lốc cốc của đàn trâu vọng lại từ những thung lũng xanh tươi, êm ả, hòa lẫn tiếng vi vút của gió ngàn mênh mang, của lá rừng lao xao trong mùi nhựa thông thoang thoảng nghe kỳ ảo, khoáng đạt và hùng vĩ vô cùng...

Xa xa, những ngọn khói lam chiều bảng lảng bay lên từ những nóc bếp của người Dao, khơi gợi sự no ấm, yên bình. Bất chợt, tôi nhớ tới bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn, như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta... Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay...”.

Giữa khung cảnh trời đất nên thơ, tâm hồn tôi cũng thăng hoa cùng thi nhạc. Em nắm chặt tay tôi, nhìn tôi mỉm cười và ngạc nhiên về giọng hát đầy cảm xúc của tôi. Vẻ đẹp thuần khiết, trong trắng, trinh nguyên, mộc mạc của hoa sở, của người con gái như núi rừng đại ngàn quê em đã chiếm giữ hồn tôi suốt cuộc đời, để mỗi mùa Đông về, tôi lại ngẩn ngơ nhớ về một loài hoa trắng.

Hôm nay đây, trở lại Bình Liêu vào một ngày cuối Đông, hoa sở vẫn nở trắng ngời rạng rỡ, nhụy cứ vàng tươi trong ánh nắng mặt trời. Hoa đón tôi bằng mùi thơm dịu nhẹ, bằng sự tươi tắn, nồng nàn, tinh khôi. Giờ đây, hàng năm, lễ hội hoa sở Bình Liêu được tổ chức thu hút người con quê hương và du khách ở khắp miền Tổ quốc về dự, thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ của một loài hoa rừng nơi biên cương phía Bắc.

Tôi choáng ngợp trong đa sắc màu của trang phục đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Trang phục của người Dao bắt mắt với sắc xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền vải đen, tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà màu đỏ là màu chủ đạo. Các họa tiết trang trí trên trang phục là hình ảnh gần gũi, giao hòa với thiên nhiên, đất trời, với cuộc sống của con người như hoa, cỏ, cây lá, hình cái cày, cái bừa, cánh chim cách điệu được thêu lặp lại có quy ước.

Những cô gái người Dao Thanh Phán thùy mị, nết na, duyên dáng, quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ thêu hoặc in họa tiết hoa văn và buộc dây ở cằm, vui tươi, nói cười hồn nhiên bên những cô gái Tày tươi tắn trong tà áo đen, thắt đai trắng - một loại trang phục cổ truyền của dân tộc Dao Bình Liêu.

Dưới tán cây sở, các cô gái Sán Chỉ trong trang phục váy đen, áo xanh, khăn vấn bên cạnh những chàng trai, cô gái Dao Thanh Phán tươi, vui, khuôn mặt rạng rỡ, mắt đen láy ngước lên tán cây sở chụp lại tấm hình kỷ niệm. Sắc màu hiện đại của khách du lịch hòa vào dòng chảy sắc màu của trang phục truyền thống.

Tôi lạc trong niềm vui hân hoan của bà con, trong tiếng hò reo bằng ngôn ngữ của người Dao, người Sán Chỉ, người Tày, người Kinh... khi xem dù lượn, xem các tiết mục văn nghệ mà chẳng hiểu họ nói gì, chỉ thấy những gương mặt hồ hởi, vui tươi và biết đó là tiếng lòng vui chung trong ngày hội của núi rừng nơi vùng đất biên cương Bình Liêu.

Cây sở không chỉ để ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa mà cây còn mang giá trị kinh tế cao cho nhân dân trồng rừng. Đó là loại cây không chỉ làm đẹp, mà còn làm giàu cho quê hương Bình Liêu. Hoa sở nở nhiều và đẹp nhất chính tại vùng đất Đồng Long quê em. Đó là một loài hoa lạ kỳ, nó kiên cường, chọn thời tiết khắc nghiệt, giá rét mà nở, làm bừng sáng cả bầu trời biên cương những ngày mùa Đông u ám.

Và Xuân sang, khi các loài hoa khác đua nhau khoe sắc, thì nó lại lặng lẽ, âm thầm kết dần thành quả, để rồi những quả đó dâng cho con người thứ tinh dầu sóng sánh, tươi như màu nắng, vàng ươm màu nhụy hoa. Người ta ép dầu, dầu sở là một loại dầu ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh, ngoài ra, còn làm nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp, ngành y dược.

Không chỉ hoa sở níu chân khách tham quan, Bình Liêu còn trân quý du khách bằng những loại đặc sản truyền thống như bánh sắn, bánh lá ngải, bánh đầu bạc và miến dong dân dã, thơm ngon quê nhà.

Mỗi năm tôi lại về Bình Liêu, dù em đã xa quê hương, tôi vẫn muốn về đây tìm lại chút hương thơ ngây thuở ấy, neo vào hồn hoa mà giữ cho riêng mình một tình yêu trong trắng, tinh khôi. Hoa sở của em và hoa sở của tôi, loài hoa nở mùa Đông để báo trước một mùa Xuân sắp về!

Hà Kim Quy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diu-dang-hoa-trang-bien-cuong-post456898.html