Dịu dàng tà áo dài gai
Tại buổi ra mắt chương trình 'Áo dài của chúng ta' nhiều cặp mắt đã nhìn hút vào tà áo dài trắng mà nhà thiết kế Minh Hạnh mặc. Dù khác với lụa nhưng chất liệu vải này cũng mang đến cho người mặc một dáng vẻ mềm mại, thanh thoát, dịu dàng. Rất áo dài, rất Việt Nam!
“Áo dài của chúng ta” là chương trình nằm trong khuôn khổ của chiến dịch “Áo dài di sản Việt Nam” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với mong muốn phát huy hơn nữa để áo dài trở thành Di sản văn hóa thế giới và là biểu trưng của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. Các bộ sưu tập áo dài tham gia trình diễn trong chương trình được thực hiện bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như lụa và đặc biệt là vải gai vốn là một chất liệu truyền thống bị lãng quên nhiều năm và đã được sống lại. Những chất liệu truyền thống Việt Nam này góp phần ghi thêm dấu ấn đậm nét về cội nguồn dân tộc trên chiếc áo dài.
Từ một sự tình cờ
Để hiểu rõ thêm về vải gai may áo dài, có lẽ chúng ta phải quay lại quá khứ một chút, vào năm 2018 khi vải gai lần đầu xuất hiện trong Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2018 (Vietnam Fashion Week Spring- Summer 2018). Trong Tuần lễ thời trang này đã xuất hiện những ứng dụng mới về chất liệu truyền thống và thiên nhiên Việt Nam mà vải gai là một trong số ấy.
Ở thời điểm đó, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh - Trưởng ban tổ chức Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2018 đã cho biết: “Có thể khẳng định, xuân hè 2018 là mùa của chất liệu Việt Nam. Hầu hết các bộ sưu tập đều được các NTK lựa chọn từ những chất liệu truyền thống, có nguồn gốc tự nhiên. Qua những thiết kế lần này thấy rõ, các NTK đã nỗ lực khám phá và kết hợp với các nghệ nhân, nhà sản xuất để tạo ra những chất liệu tự nhiên phù hợp với yêu cầu của thị trường thời trang.
Những chất liệu đũi Nam Cao, tơ tằm Nhật Minh, lụa Bảo Lộc, lụa Nha Xá, vải gai Thiên Ân - Quảng Ngãi, sợi gai An Phước… là cơ sở để chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong việc tạo chất liệu quý giá cho thời trang cao cấp. Điều này cũng cho thấy sự phong phú và chất lượng vải truyền thống Việt Nam đã cao cấp hơn. Với xu thế tiêu dùng toàn cầu, những chất liệu tự nhiên đang lên ngôi vì tính thích nghi cao và trong sạch môi trường”.
Nối tiếp câu chuyện về sợi gai gắn với thời trang Việt Nam, NTK Minh Hạnh đã kể một câu chuyện: “Có một dịp tình cờ tôi đến Quảng Ngãi để tìm chất liệu mới, gặp một vị lãnh đạo tỉnh và được nghe anh tâm sự, ngày bé hay thấy mẹ lấy vải gai để vá quần áo cho mọi người trong gia đình. Khi được anh dẫn đến các gia đình se sợi gai, tôi đã rất bất ngờ, vì người dân ở đây vẫn se sợi gai rất nhiều.
Câu chuyện về cây gai, sợi gai đã mở rộng ra khi tôi tìm đến tỉnh Thanh Hóa và biết Công ty An Phước vừa đầu tư 1.000 tỷ đồng để trồng gai với sản lượng 7.000ha. Cây gai là loại cây công nghiệp thu hoạch nhanh, tuổi đời khoảng 10 năm, mỗi năm cho 4 lần thu hoạch. Sợi gai không bị ẩm mốc, rất chắc và trên hết là giá thành chỉ bằng 1/8 so với tơ tằm”.
“Đến giờ có thể lạc quan nói rằng, chúng tôi đã tìm được chất liệu bền vững cho thời trang Việt Nam. Bởi lâu nay những người làm thời trang Việt Nam bị phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu từ các nước khác. Công nghiệp dệt của nước mình đang ở con số không, thị phần thấp không đủ cho thời trang. Nếu có sáng tạo mà không có chất liệu thì mình thất bại. Câu chuyện ở đây là nếu có thời trang mà không có chất liệu thì không phải là bản sắc của mình nữa, thời trang không có chất liệu là thất bại” – NTK Minh Hạnh nhấn mạnh.
Vải gai – “cô gái khá thân thiện và dễ chịu”
Ít người biết rằng ở Việt Nam đã từ lâu lụa là chất liệu truyền thống để may trang phục. Nhưng chất liệu vải thì gần đây mới được các nhà thiết kế đánh thức và làm sống lại.
Tại buổi ra mắt chương trình “Áo dài của chúng ta, có một người phụ nữ nhỏ bé đã bị NTK Minh Hạnh “ép” ra sân khấu. Đó là chị Đỗ Hồng Thúy. Chị Thúy chính là người phụ nữ đã 15 năm ẩn mình để nghiên cứu đưa cây gai vào thực phẩm (lá gai là nguyên liệu làm bánh) và biến sợi cây gai thành nguyên liệu dệt thành vải gai, một chất liệu mới mẻ trong ngành thời trang. Hiện nay chị Đỗ Thị Thúy có một nhà máy lớn chế biến, dệt vải gai ở Thanh Hóa. Cây gai của chị được trồng ở nhiều tỉnh góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.
Ngay tại buổi ra mắt, trả lời phỏng vấn, NTK Minh Hạnh cho biết: “Có lẽ không ai biết, hơn chục năm qua cô Thúy đã phải mò mẫm và lầm lũi để sản xuất sợi gai. Đặc biệt, với cây gai, mọi người quen thuộc với việc lá được dùng làm bánh, nhưng thân được lấy dùng dệt vải thì không phải ai cũng biết. Với việc hồi sinh chất liệu cổ truyền tưởng chừng bị lãng quên đó, tôi vẫn thường gọi vui cô Thúy là bà tổ của vải gai Việt Nam. Cô Thúy hiện có nhà máy sản xuất ở Thanh Hóa với sản lượng khai thác từ 5.000ha cây gai/năm. Điều này đã mang lại giá trị mới cho cây gai Việt Nam khi bước chân vào thị trường”.
Theo NTK Minh Hạnh, 15 bộ sưu tập đã được giới thiệu trong chương trình “Áo dài của chúng ta” tối ngày 9/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều sử dụng chất liệu vải truyền thống là gai và lụa. “Những chất liệu này cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt và chắc chắn rằng nhờ nó thời trang Việt Nam sẽ phát triển. Cả lụa và gai đều là chất liệu truyền thống. Đặc tính của mỗi sản phẩm đều có giá trị riêng. Nếu lụa được xem là cô gái xinh đẹp, nhẹ nhàng, đỏng đảnh, rất đắt và sang trọng thì gai lại là cô gái khá thân thiện và dễ chịu.
Bởi khi mặc gai tôi không phải giữ gìn nhiều mà giặt dễ dàng. Về chất lượng của vải gai, có thể khẳng định nó còn vượt quá kỳ vọng của tôi. Tôi vẫn thường nói với Thúy: “Em cứ cố gắng đi, sau cơn mưa trời vẫn còn dơ, cho nên vẫn phải làm vải gai cho đến lúc sức cùng lực kiệt. Có thể nói, ở Việt Nam, chưa bao giờ chúng tôi có được một chất liệu đáng tự hào như thế. Trong chất liệu truyền thống, vải gai chính là di sản với cốt lõi là giá trị chuẩn mực và thân thiện” – NTK Minh Hạnh nói.
Đời thường bước lên sàn diễn
Cũng liên quan đến vải gai và cây gai, có một câu chuyện cách đây ít lâu một nhóm hợp tác gồm 7 thành viên là các doanh nghiệp (DN), nhà khoa học cùng triển khai Dự án “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm” nhằm mở ra cơ hội chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may, đồng thời thúc đẩy mô hình liên kết ba nhà: Nhà nước, nhà khoa học, DN trong nghiên cứu và sản xuất.
Được biết, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì sự tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp dệt may, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 80 - 85% (tương đương khoảng gần 1 triệu tấn/năm) lượng nguyên liệu bông, sợi dùng cho sản xuất vải. Đặc biệt, khoảng 70% sợi gai tự nhiên nhập khẩu được dùng để dệt ra vải gai cao cấp.
Trong khi đó, cây gai đã trồng ở nước ta lâu đời, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Nhưng khối lượng bông, sợi dệt từ cây gai trong nước chưa nhiều. Cây gai được trồng chủ yếu để lấy lá làm bánh, lấy vỏ cây để dệt sợi thủ công, thổ cẩm, chất lượng và mẫu mã chưa có độ tinh xảo. Nói cách khác, ngành công nghiệp chế biến cây gai của Việt Nam đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với thị trường tiêu thụ và tiềm năng dồi dào để phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành dệt may.
Với mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may, tạo nên các loại vải cao cấp để xuất khẩu, Dự án “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự án được triển khai từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 và hướng đến mục tiêu làm chủ công nghệ trong một chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, canh tác trên quy mô công nghiệp đến khâu chế biến tơ sợi từ cây gai xanh phục vụ ngành dệt may.
Năm 2017, cây gai xanh AP1 đã được trồng khảo nghiệm trên diện tích 200ha ở 12 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Dự kiến, sau khi dự án kết thúc, nhóm hợp tác sẽ làm chủ quy trình công nghệ từ khâu giống, kỹ thuật canh tác với năng suất 30 tấn/ha/lần thu hoạch, thích nghi rộng, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường.
Bên cạnh đó, nhóm sẽ triển khai vùng trồng cây gai xanh với diện tích 3.000ha để phục vụ nhà máy sản xuất chế biến tơ sợi với công suất 2.500 tấn/năm, đồng thời hoàn thiện và làm chủ công nghệ dây chuyền sản xuất và chế biến tơ sợi từ cây gai xanh chất lượng cao; tận dụng các phụ phẩm từ thân cây gai để phục vụ sản xuất bao bì, đồ hộp tự hủy và tận dụng lá cây gai làm phân hữu cơ sinh học…
… Còn nhớ, tại Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2018, NTK Minh Hạnh vốn vẫn được biết đến là một người tiên phong trong công cuộc kiếm tìm những chất liệu cho thời trang Việt Nam, đã từng tâm sự về điều khiến bà cảm thấy tiếc nuối.
Đó là có rất nhiều sự đáng tiếc, nhất là những nguyên liệu quý như lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) là chất liệu được thế giới đánh giá đạt tiêu chuẩn cao cấp nhất, nhưng hiện nay chất liệu này đã được các công ty của Ý và Nhật bao tiêu hết. Người Việt hiếm hoi lắm mới được mặc và giá thành rất cao. Chúng ta cũng có cây bông, nhưng so sánh thì bông của Việt Nam không thể bằng Ấn Độ; chúng ta có lụa, nhưng lụa của Trung Quốc cao cấp hơn rất nhiều…
Thị trường thời trang nước ta đang rất phát triển, nhưng chúng ta đang mặc đồ không tốt, không an toàn cho sức khỏe. Ăn và mặc luôn song hành cùng nhau, mọi quốc gia đều hướng tới mục tiêu ăn, mặc an toàn, bảo đảm sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua câu chuyện về chất liệu mới thấy đây là phần rất quan trọng trong việc xác định thời trang Việt Nam đang ở đâu. Có chất liệu quý thì thời trang mới có tiếng nói…
Hy vọng rằng với cây gai, vải gai, những tà áo dài gai dịu dàng sẽ giúp thời trang Việt Nam cất lên tiếng nói đích thực của riêng mình…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-gioi-sao/diu-dang-ta-ao-dai-gai-584607.html