Đìu hiu chợ truyền thống
Còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, nhưng ở chợ truyền thống tại TPHCM, sức mua ì ạch, đìu hiu mọi ngành hàng cho dù thời gian này thường đắt khách nhất trong năm.
Trăm người bán, vài người mua
Trưa 3/1, nhiều quầy hàng tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) rất vắng khách. Khu vực kinh doanh quần áo, vải vóc trên lầu, sạp nào cũng trưng sản phẩm ken kín các lối đi, chỉ cần khách ngó nghiêng liền được nhiều tiểu thương chào mời vào xem hàng, mặc thử.
“Ế lắm, cả ngày có khi không bán được cái nào. Năm trước đã ế, nay còn tệ hơn. Tôi đang tính qua tết cho thuê lại sạp, tìm nghề khác làm ăn chứ cứ đà này e khó trụ được lâu dài” - bà Trang, một tiểu thương than thở.
Tại chợ Hòa Hưng (quận 10) ngoài các quầy hàng ăn uống còn tấp nập, nhiều gian hàng khác như bánh mứt tết, trái cây, thực phẩm tươi sống… cùng tình trạng “mỏi cổ ngóng khách”. Càng đi vào trong, nhiều sạp đóng cửa, được tận dụng làm nơi giữ xe, kho hàng; một số treo bảng cho thuê, sang nhượng với số điện thoại và tên người liên hệ. Chị Linh (kinh doanh đồ khô) đã buôn bán ở chợ gần 20 năm cho biết “Bán buôn chỉ trông đợi mỗi dịp Tết. Hơn chục năm trước, gần Tết là bán hàng không kịp thở. Tôi phải thuê thêm người, hàng chất đầy kho mà vẫn không đủ để bán. Còn giờ chỉ dám lấy cầm chừng, bạn hàng đặt trước mình mới lấy. Khách đến chợ giờ ít lắm, chủ yếu mua vài mớ rau, con cá ăn trong ngày chứ chẳng mấy ai sắm Tết”.
Dù nằm ở vị trí giao thông thuận lợi và gần 5 khu chung cư nhưng việc buôn bán ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo nhiều tiểu thương, sức mua hiện nay chỉ bằng một nửa so với trước. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) chỉ có 594 sạp mở cửa bán hàng, số sạp cho thuê làm kho và bỏ trống lên tới 203 sạp, lý do họ “bỏ sạp” là do mãi lực quá thấp.
Ở nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như: Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bến Thành, Tân Định (quận 1)…, các mặt hàng bánh kẹo, mứt, đồ khô, hạt dưa, hạt bí, nước giải khát được thắt nơ, đóng hộp sang trọng, bày biện ở vị trí bắt mắt nhất để thu hút người mua.
“Thường thì vào mỗi dịp Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, sản phẩm Tết bán rất chạy, vì không chỉ có khách du lịch khi đến TPHCM mua làm quà, mà Việt kiều cũng mua rất nhiều. Gần đây, sức mua giảm hẳn nên hầu hết tiểu thương cũng không lên kế hoạch cụ thể cho việc dự trữ nguyên liệu để sản xuất mứt tết, bán đến đâu hay đến đó”, bà Tiêu Thị Trinh chủ quầy bánh mứt chia sẻ.
Tứ bề khó
Theo Sở Công Thương TPHCM, thành phố có 238 chợ truyền thống, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.658 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các chợ truyền thống cung cấp 50-70% nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân TPHCM. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình hình kinh doanh, mãi lực ở các chợ truyền thống có dấu hiệu chững lại. Người dân chuyển từ mua sắm ở chợ truyền thống sang siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, mua sắm trực tuyến…
Ông Cao Văn Thành, Phó ban Quản lý chợ Bình Tây cho biết, khách đến chợ đang giảm khoảng 20% so với khi chợ chưa được sửa chữa. Ông Thành thừa nhận có tình trạng nhiều quầy hàng đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh. Theo ông Thành, có quá nhiều kênh kinh doanh cạnh tranh với chợ truyền thống như thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Hiện nay, nhà sản xuất xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, phân phối các tỉnh hoặc giao hàng tận nơi. Vì vậy, tiểu thương không cần tìm đến chợ mua sỉ như trước.
Ông Trần Thanh Nguyên, Phó ban Quản lý chợ Bà Chiểu chia sẻ, chợ có gần 1.000 tiểu thương với 700 quầy hàng. Chợ truyền thống không chỉ cạnh tranh với siêu thị mà còn có đối thủ “chợ ngoài chợ”. Chợ tự phát giá nào cũng bán do không phải đóng thuế quầy sạp, người dân chỉ cần tạt ngang mua hàng rồi đi. “Chợ ế, khách ít, mãi lực yếu… tình trạng này đã kéo dài mấy năm nay rồi. Tuy nhiên, theo tôi, tiểu thương vẫn gắng gượng vì đây là cuộc sống, là cái nghề từ lâu rồi nên không phải vì ế mà họ bỏ chợ”, ông Nguyên nhìn nhận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các chợ truyền thống tại TPHCM đang làm đủ mọi cách để kéo khách đến chợ như xây dựng chợ văn minh; quản lý giá không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến; hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và niêm yết giá cụ thể.
Ông Trần Thanh Nguyên, Phó ban Quản lý chợ Bà Chiểu chia sẻ, chợ có gần 1.000 tiểu thương với 700 quầy hàng. Chợ truyền thống không chỉ cạnh tranh với siêu thị mà còn có đối thủ “chợ ngoài chợ”. Chợ tự phát giá nào cũng bán do không phải đóng thuế quầy sạp, người dân chỉ cần tạt ngang mua hàng rồi đi. “Chợ ế, khách ít, mãi lực yếu… tình trạng này đã kéo dài mấy năm nay rồi. Tuy nhiên, theo tôi, tiểu thương vẫn gắng gượng vì đây là cuộc sống, là cái nghề từ lâu rồi nên không phải vì ế mà họ bỏ chợ”, ông Nguyên nhìn nhận.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/diu-hiu-cho-truyen-thong-1506252.tpo