Đìu hiu làng nghề đóng tàu ở Hà Tĩnh Clip: Hoài Nam
Dọc bờ sông Vách Nam, thôn Đông Hà 1, Đông Hà 2 của xã Thạch Long (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nơi được biết đến là làng nghề làm tàu nổi tiếng một thời. Nhưng 5 năm trở lại nay, làng nghề thiếu vắng tiếng đục đẽo, cưa gỗ phát ra từ những chiếc lán nhỏ dựng bên bờ sông.
Tại đây, hiện có rất ít cơ sở còn giữ làng nghề truyền thống. Từ ngoài cổng làng dẫn vào, có nhiều cơ sở đóng tàu đã đóng cửa, máy móc phủ bạt. Thậm chí có những con tàu chưa hoàn thiện đã bỏ không, nay hư hỏng, nằm tại bờ.
Thời điểm này, cơ sở của ông Võ Văn Tín (56 tuổi, trú thôn Đông Hà 1) là nơi duy nhất có thợ làm việc với đơn hàng sửa tàu. Theo ông Tín, thông thường những lúc có khách đặt hàng làm, mới liên hệ để thuê nhân công. Còn không phải đóng cửa chờ khách.
"Trước đây mỗi tháng nhận 1 tàu mới để làm, nhưng nay cả năm chỉ có 1-2 đơn tàu đóng mới. Hiện tại chỉ có sửa chữa, sơn mới lại tàu thuyền, cả làng giờ bỏ nghề hết. Thanh niên hầu như đi xuất khẩu lao động, ở làng chỉ còn người già bám nghề", ông Tín nói.
Người dân làm nghề ở đây chủ yếu sơn, sửa lại tàu, thuyền. Hiện không có tàu đóng mới.
Làng nghề từng nhộn nhịp, nhưng nay vắng lặng, đìu hiu. Nhiều cơ sở đã đóng cửa, máy móc phủ bạt.
Một số cơ sở đóng tàu "giải nghệ" từ lâu để chuyển đổi công việc khác.
Xác tàu bỏ không bên bờ sông.
Chủ của những cơ sở đóng tàu và ngư dân cho biết, do hải sản biển ít dần, nghề đi biển không mang lại giá trị lớn nên nhiều người bỏ biển. Vì thế số tàu đóng mới từ đó giảm.
Nghề đóng tàu ở xã Thạch Long đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và phát triển mạnh nhất trong những năm 2010 - 2017. Vào thời kỳ vàng son, địa phương có hàng chục cơ sở và hàng trăm nhân công làm nghề. Nhưng nay làng nghề đã đi vào dĩ vãng.
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nghề đóng tàu thuyền ở địa phương có từ lâu đời, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập tại chỗ cho nhiều lao động. Nhưng từ năm 2019 đến nay, nghề dần mai một. Một phần nguyên nhân là do khi quy định mới của Luật Thủy sản và nghị định Chính phủ ban hành một số cơ sở không đủ điều kiện để đóng tàu. Trước mắt, địa phương đang tìm hướng cho các lao động làm nghề đóng tàu chuyển hướng sang nghề khác. "Xã cũng đang nhờ huyện tìm tòi nhiều nơi để đưa mô hình nghề mới về cho người dân địa phương", vị này nói.
Hoài Nam