Đìu hiu 'phố vàng' giáp Tết

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vàng'. Từ xa xưa, đây là quan niệm của nhiều người Việt nhằm cầu mong năm mới tài lộc cũng như coi đó là tài sản để dành sau cả năm làm việc chăm chỉ. Thế nhưng, trải qua một năm giá vàng biến động dữ dội, với hàng loạt kỷ lục bị xô đổ như năm 2023 vừa qua, liệu quan niệm 'cuối năm mua vàng' liệu có thay đổi? Mời quý vị cùng theo dõi ghi nhận của phóng viên THQHVN.

28 Tết, các cửa hàng kinh doanh vàng trên con phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) tương đối vắng vẻ, giao dịch chỉ tập trung chủ yếu tại một số tiệm vàng lớn. Tích cóp cả năm, cộng thêm vừa nhận được khoản thưởng Tết, anh Quý đã dùng một nửa số tiền tiết kiệm của mình, ra ngay cửa hàng để mua vàng, mang về quê mừng tuổi bố mẹ.

Chênh lệch mua - bán vàng SJC quá cao khiến các nhà đầu tư cẩn trọng hơn khi xuống tiền. Hàng chục cửa hàng trên con phố này hầu hết đều vắng khách qua lại, sức mua rất yếu. Chủ yếu khách hàng đến để đổi sản phẩm, hay bảo dưỡng nhẫn, dây chuyền vàng...Những khách mua vàng miếng thì gần như rất ít. Điều này hoàn toàn trái ngược với trước đây.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu dùng vàng của Việt Nam năm 2023 đạt 55,5 tấn, giảm 6% so với năm trước. Qua đây có thể thấy, quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vàng” gần như chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần chứ không phải lời khuyên mua vàng để tích trữ. Bởi với sự biến động của thị trường vàng, Chính phủ cũng đã yêu cầu theo dõi sát, dứt khoát không để tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Trang - Lê Giang - Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diu-hiu-pho-vang-giap-tet-210248.htm