Diva Mỹ Linh nghẹn ngào hát 'Hoa sữa' trong tang lễ tiễn đưa nhạc sĩ Hồng Đăng
Ngày 26/3, người thân, bạn bè và người yêu nhạc đã tụ về nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội) để tiễn đưa người nhạc sĩ của những ca khúc thật hay về Hà Nội, về quê hương đất nước và về những tâm tư sâu lắng của con người - Hồng Đăng.
Trong điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngoài khẳng định sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ của tác giả Hoa sữa với tư cách một người sáng tác, cố nhạc sĩ còn có những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam trong vai trò một lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Đỗ Hồng Quân khẳng định đóng góp lớn nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng chính là việc tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, dắt tay nhau cùng bước đến những thành tựu của âm nhạc Việt Nam từ thời mở cửa, đổi mới cho đến ngày hôm nay.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhớ lại, ngay từ những năm của thập kỷ cuối thế kỷ trước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sự chèo chống của ban chấp hành ngày ấy đã có được kinh phí của Nhà nước cấp để làm băng cassette và in tuyển tập nhạc cho các nhạc sĩ.
Cuộc đại trình diễn “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hồng Đăng chỉ đạo đã để lại một ấn tượng âm nhạc Việt Nam không phai mờ, hãnh diện khép lại một thế kỷ đầy biến động của đất nước.
Theo ông Quân, nhiều người kính trọng Hồng Đăng vì tính thẳng thắn, luôn luôn vì sự nghiệp chung, quên cái tôi, một “nghệ sĩ có tâm bồ tát”.
Với bông cúc vàng do gia đình chu đáo chuẩn bị trên tay, trong những giai điệu thân quen, say đắm của Biển hát chiều nay, Hoa sữa… người thân, bạn bè, người hâm mộ lặng lẽ vào tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng vừa nhẹ bước “chuyển cõi”.
Riêng nhạc sĩ Thụy Kha còn ôm theo những tờ báo in có những bài viết ăm ắp tình cảm ông vừa dằn lòng ngồi viết như một lời tạm biệt “đại huynh” của ông, người mà ông gọi là “hiền nhân tâm bồ tát”.
Lễ tang ông, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đứng ra tổ chức. Người vợ hiền tận tụy của ông - bà Lê Anh Thúy - trước đó đã có lời nhắn tới tất cả bạn bè, người hâm mộ không mang theo vòng hoa viếng mà gia đình sẽ chuẩn bị cho mọi người.
Nhạc sĩ Hồng Đăng (sinh năm 1936) tại huyện Yên Thành, Nghệ An, là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ông bắt đầu sáng tác khi còn là học sinh. Năm 1950, nhạc sĩ cho ra đời các ca khúc như Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh, Nắng về Tây Bắc... Ông viết nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như Đường đi có nắng mặt trời, Quà tháng Năm (lời cùng Thế Bảo), Giữa mùa sa nhân, Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (lời cùng Nguyễn Liệu)...
Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc từ năm 1989 và tờ Thế giới âm nhạc (từ 1996). Ngoài ra, nhạc sĩ Hồng Đăng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội, Ủy viên ban chấp hành Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên ban Quốc gia Thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế.