Diwali – ngày lễ tôn giáo lớn nhất trong năm tại Ấn Độ
Là lễ hội quan trọng nhất trong năm tại Ấn Độ và đặc biệt là với những người theo đạo Hindu, Diwali hay còn được gọi là Lễ hội Ánh sáng, được kỷ niệm bởi hơn 1 tỷ người vào tầm cuối tháng 10 cho tới đầu tháng 11.
Diwali có nguồn gốc từ một từ là “Deepavali”, mang ý nghĩa “một hàng đèn”. Theo truyền thống, những người tham gia kỷ niệm ngày lễ này sẽ tiến hành thắp những hàng đèn dầu đất sét truyền thống bên ngoài nhà của mình. Hành động này tượng trưng cho chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối và của trí tuệ trước sự thiếu hiểu biết.
Lễ hội này có tầm quan trọng lớn đối với người theo đạo Hindu, tựa như lễ Giáng sinh đối với những người theo đạo Thiên Chúa. Ngoài ra, Diwali cũng là một ngày lễ được cả những người theo đạo Sikh, đạo Jain và đạo Phật kỷ niệm. Thời gian diễn ra Diwali được tính toán dựa trên lịch âm của đạo Hindu, tương đương với khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 và kéo dài 5 ngày. Trong năm 2023, Diwali bắt đầu từ ngày 10/11.
Trong khoảng thời gian 5 ngày, có nhiều hoạt động kỷ niệm khác nhau được tiến hành. Trong ngày đầu tiên, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa và mua sắm vàng bạc hoặc đồ dùng nhà bếp để giúp mang lại may mắn. Trong ngày thứ hai, mọi người trang trí nhà cửa bằng đèn đất sét và tạo ra các bức tranh gọi là rangoli trên sàn bằng bột màu hoặc cát.
Tới ngày thứ ba – ngày quan trọng nhất của lễ hội – các gia đình sẽ quây quần bên nhau để thực hiện Lakshmi puja, một lời cầu nguyện tới Nữ thần Lakshmi, sau đó là những bữa tiệc hấp dẫn và lễ hội bắn pháo hoa. Trong ngày thứ tư, bạn bè, người thân sẽ thăm hỏi, tặng quà và mang theo những lời chúc tốt lành. Vào ngày cuối cùng, anh hoặc em trai sẽ tới thăm em gái hoặc chị gái đã kết hôn của mình và được chào đón bằng một bữa tiệc lớn.
Trên thực tế, nguồn gốc của Diwali có những khác biệt theo từng khu vực nhưng các câu chuyện vẫn có một chủ đề cơ bản chính là sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Ở miền nam Ấn Độ, Diwali kỷ niệm chiến thắng trong việc Thần Krishna tiêu diệt con quỷ Naraka, kẻ được cho là đã giam cầm phụ nữ và hành hạ thần dân của hắn. Trong khi đó ở miền bắc Ấn Độ, Diwali tôn vinh sự trở lại đầy thắng lợi của Thần Rama, vợ ông là Sita và anh trai Lakshmana sau 14 năm bị đày ải trong rừng.
Đối với những người theo đạo Jain, Diwali là ngày Thần Mahavira, vị thầy vĩ đại cuối cùng, đạt được niết bàn, tức là sự giải thoát khỏi vòng sinh tử và tái sinh. Người theo đạo Sikh kỷ niệm Bandi Chhor Divas - một ngày trùng với Diwali - để kỷ niệm việc thả Guru Hargobind, một nhân vật được tôn kính trong đức tin, người đã bị hoàng đế Mughal Jahangir cầm tù 12 năm. Trong khi đó, những người theo đạo Phật coi ngày này là ngày mà Đại đế Ashoka của đạo Hindu, người trị vì vào thế kỷ thứ 3 TCN, chuyển sang đạo Phật.
Cùng với sự khác nhau trong nguồn gốc, các truyền thống trong ngày lễ cũng có những sự khác biệt tùy theo khu vực. Cụ thể tại miền nam Ấn Độ, nhiều người có thói quen tắm dầu ấm vào buổi sáng sớm để tượng trưng cho việc tắm sông Hằng thiêng liêng như một hình thức thanh lọc thể chất và tinh thần. Trong khi đó ở miền bắc đất nước, việc thờ cúng Nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng được coi như tiêu chuẩn.
Đánh bạc cũng là một truyền thống phổ biến vì nhiều người tin rằng ai đánh bạc vào đêm Diwali sẽ thịnh vượng quanh năm. Cũng có những người mua vàng vào ngày đầu tiên của lễ Diwali, được gọi là Dhanteras - một hành động được tin rằng sẽ mang lại may mắn.