Đồ án Bảo tàng Lãnh Mỹ A và kênh đào Hương Vinh đồng giải nhất Giải thưởng Loa Thành 2020
Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 32 trao cho 57 giải chính thức trong tổng số 177 đồ án tham gia dự thi. Trong đó, hai đồ án đồng giải nhất, gồm: 'Bảo tàng Lãnh Mỹ A' và 'Góc sân sau - những khoảng lặng bên kênh đào Hương Vinh'.
Sáng nay (27.12) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 32. Đây là giải thưởng thường niên được phối hợp tổ chức bởi Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Giải thưởng nhằm động viên, khích lệ những sinh viên năm cuối có năng lực tốt trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng trước khi ra trường.
Năm nay, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Loa thành đã trao giải cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của các sinh viên các trường đại học có đào tạo chuyên ngành về xây dựng và kiến trúc trên cả nước. Dù số trường tham gia dự thi năm nay giảm so với các năm trước (18 trường trên toàn quốc) nhưng số lượng đồ án dự thi lại tăng lên.
Kết quả, Hội đồng chấm giải đã chọn ra được 57 giải chính thức trong tổng số 177 đồ án tham gia dự thi gồm 02 giải nhất, 15 giải nhì, 20 giải ba và 20 giải khuyến khích.
"Bảo tàng Lãnh Mỹ A" của tác giả Phạm Duy Tân (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) và "Góc sân sau - những khoảng lặng bên kênh đào Hương Vinh" của tác giả Lê Quốc (Trường đại học Khoa học Huế) là hai đồ án xuất sắc đoạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành năm nay.
Theo GS.TSKH Nguyễn Tài - Ủy viên thường trực Hội đồng Giải thưởng Loa Thành – Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Loa Thành năm 2020 thì chất lượng đồ án dự thi lần thứ 32 không thay đổi nhiều so với các năm. Tuy nhiên vẫn thiếu đồ án về các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, các công trình chống lũ, giông bão, sạt lở… Theo Quy chế sửa đổi năm 2020 về cơ cấu giải toàn cuộc thi, không có các đồ án dự thi có địa chỉ giả định, tất cả đều cụ thể với quy mô phù hợp.
Nhận xét về đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” tại Lễ trao Giải thưởng Loa Thành năm nay, GS.TSKH Nguyễn Tài cho biết: “Tác giả đã kể một câu chuyện về bảo tồn làng nghề truyến thống đậm chất Nam bộ bằng ngôn ngữ kiến trúc, dẫn dắt từ xuất xứ, ý nghĩa và thăng trầm của nghề dệt lụa, sứ mệnh của bảo tàng gắn với bảo tồn và phát triển đến những không gian trong, ngoài. Trong đó, nổi bật lên quan niệm thú vị và sâu sắc về tinh thân và công năng: Mối quan hệ của Bảo tàng với Làng nghề không khác mấy mối quan hệ của Đình làng với Làng xã”.
Sử dụng chính chất liệu Lãnh Mỹ A bao phủ lên toàn công trình của đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” cùng với việc sử dụng thành công màu sắc, không gian trống, đục – rỗng, mặt nước, cây xanh… trong các giải pháp mặt đúng, mặt bằng, mặt cắt tác giả muốn tạo nên một ý tưởng xuyên suốt mô phỏng, hình tượng hóa tấm lụa Tân Châu - Lãnh Mỹ A.
“Không chỉ là nơi lưu giữ - vốn được xem là chức năng của bảo tàng nói chung thì Bảo tàng Lãnh Mỹ A còn là nơi kết nối để phát triển làng nghề. Nếu như đình làng là trái tim của làng xã thì bảo tàng chính là trái tim của làng nghề” – sinh viên Phạm Duy Tâm chia sẻ.
Theo thông lệ, chức danh Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng là chức danh luân phiên giữa các đơn vị đồng tổ chức. Vì vậy, Giải thưởng Lao thành lần thứ 33 sẽ được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đảm nhiệm. Giải thưởng Loa thành lần thứ 33 tiếp tục hứa hẹn một mùa giải với nhiều đồ án suất sắc.
Dưới đây là một số hình ảnh diễn ra tại Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 32: