Đổ bệnh vì ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Hai tuần gần đây, Thanh Huyền phải bật máy lọc không khí 24/24h vì bị đau họng, ngứa mũi, hắt hơi do thời tiết hanh khô và chất lượng không khí ở mức rất xấu.

 Liên tiếp những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội thường xuyên ở mức xấu. Ảnh: Thụy Trang.

Liên tiếp những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội thường xuyên ở mức xấu. Ảnh: Thụy Trang.

Thanh Huyền (25 tuổi, Hà Nội) ngán ngẩm nhìn chiếc lõi lọc không khí xám đen, lớp bụi đóng dày chỉ sau 2 tuần. Nhà sát mặt đường, khói bụi xe cộ cộng với chất lượng không khí ngày càng kém ở Hà Nội khiến cô luôn thấy khó thở, kiệt sức.

"Mỗi tháng một lần, tôi sẽ vệ sinh màng lọc ở máy lọc không khí. Thế nhưng, mới 2 tuần tôi đã phải đem đi vệ sinh. Suốt tháng qua, tôi ốm triền miên", Thanh Huyền nói với Tri Thức - Znews.

Cả gia đình đổ bệnh

Chồng của Thanh Huyền phải đi làm xa 12 km, công việc cũng thường xuyên phải đi lại ngoài đường nên cũng viêm họng, ho đờm... tái đi tái lại.

Lớp bụi dày đặc ở máy lọc không khí nhà Thanh Huyền. Ảnh: NVCC.

Lớp bụi dày đặc ở máy lọc không khí nhà Thanh Huyền. Ảnh: NVCC.

Cứ khoảng 6h mỗi sáng, bà Tố Hảo (92 tuổi, Hà Nội) sẽ cùng người chăm sóc đi dạo quanh khu nhà để thể dục, hít thở không khí. Nhưng những ngày gần đây, bà Hảo đã dừng lại thói quen này vì trời lạnh hơn và cảm thấy khó thở.

"Tôi xem truyền hình thấy đưa tin về chất lượng không khí ở Hà Nội rất kém, đoán đây là lý do cảm thấy khó chịu, khó thở trong những ngày gần đây. Con cái cũng khuyên tôi nên ở nhà. Tôi chỉ còn cách tập đi lại trong nhà để đỡ bị cứng chân sau đợt đột quỵ trước đây, cũng bí bách nhưng không còn cách nào khác", bà Hảo tâm sự.

Còn chị Nguyễn Châu Loan (31 tuổi) lại đối mặt với tình trạng da bị kích ứng, nổi mụn nhiều. Vốn không biết cách chăm sóc da nên tình trạng da của chị Loan ngày càng tệ hơn.

Lo cho con trai 2 tuổi hít phải nhiều bụi mịn, dễ bị bệnh đường hô hấp nên vợ chồng cô đưa đón con đi học bằng ôtô thay vì dùng xe máy như trước đây.

Theo ghi nhận của ứng dụng IQ Air, chất lượng không khí Hà Nội sáng 21/11 là 160 AQI, chất lượng không khí ở mức trung bình. Chất gây ô nhiễm chính là nồng độ PM2.5. Nồng độ PM2.5 tại đây hiện cao gấp 13,8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Dự báo trong những ngày tới, chất lượng không khí tiếp tục ở mức không tốt cho nhóm nhạy cảm.

Làm gì để hạn chế hít phải bụi mịn?

PGS.TS Trần Quỳnh Anh, Trưởng bộ môn Sức khỏe môi trường, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, cho biết thời tiết mùa thu đông Hà Nội có đặc điểm độ ẩm thấp, ít gió, làm cho không khí không có sự vận chuyển, lưu thông, chất ô nhiễm khó bay đi xa. Vì vậy, nồng độ của các chất ô nhiễm tăng cao hơn so với những ngày có mưa hay gió mạnh.

Ngoài ra, một số ngày sẽ có hiện tượng nghịch đảo nhiệt, tầng không khí ở phía trên sẽ nóng hơn phía dưới. Nồng độ chất ô nhiễm sẽ không phát tán lên cao được, chúng sẽ ở tầng thấp (tầng con người hít thở). Vì vậy, người dân sẽ thấy sương mù và có cảm giác khó chịu.

 Người dân Hà Nội tập thể dục vào sáng sớm tại công viên. Ảnh: Thụy Trang.

Người dân Hà Nội tập thể dục vào sáng sớm tại công viên. Ảnh: Thụy Trang.

Theo PGS Quỳnh Anh, nhóm dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí, bụi mịn là trẻ em và người già, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch, cơ địa dị ứng. Họ sẽ có cảm nhận rõ nhất về ô nhiễm không khí.

"Hệ hô hấp là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất, người dân có thể bị kích ứng như chảy mũi, hắt hơi, viêm họng. Mức độ tiếp xúc lâu, nhiều hơn, chúng có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm thanh quản, viêm mũi, viêm xoang. Trẻ em rất dễ bị viêm tai giữa. Người có tiền sử dị ứng như hen xuyễn dễ tái phát đợt hen cấp do ô nhiễm không khí", vị chuyên gia cho hay.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, phân tích bụi đi vào phổi gây ra bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng và viêm xoang. Sau đó, nó đi xuống phổi làm tổn thương phổi, tình trạng này sẽ tái đi tái lại, nếu người dân phải sống trong môi trường nhiễm bụi thời gian dài.

Với những người đang có nền bệnh sẵn như viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... tình trạng sẽ càng tệ.

Theo các bác sĩ, mỗi người dân nên thực hành giảm thiểu ô nhiễm như đeo khẩu trang loại ngăn được bụi mịn PM2.5. Bên cạnh đó, việc hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm chất ô nhiễm tăng cao như buổi sáng cũng là một biện pháp tránh hít phải bụi mịn.

Bác sĩ Quỳnh Anh cũng khuyến cáo người dân nên tránh tập thể dục buổi sáng ngoài đường, có thể tăng vận động ở nơi không khí trong lành như công viên, nơi nhiều cây xanh. Trẻ em nên đeo khẩu trang vừa kích cỡ. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng giúp tránh hít phải không khí ô nhiễm.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/do-benh-vi-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-post1512609.html