Đo carbon từ rừng: Cách tiếp cận khoa học cho Net Zero

Vai trò của rừng không chỉ là hấp thụ carbon mà còn là tài sản có thể đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp đạt mục tiêu Net Zero.

Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, một công trình khoa học lần đầu tiên được công bố, cho phép lượng hóa carbon lưu trữ trong rừng tự nhiên dưới dạng “đơn vị đo lường cụ thể”, thông qua cuốn sách “Nghiên cứu thực chứng thí điểm trữ lượng carbon trong sinh khối trên bề mặt đất rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam” do bà Trần Thị Lành và cộng sự tại Viện SPERI thực hiện.

Một nghiên cứu khoa học dành riêng cho doanh nghiệp theo đuổi Net Zero

Khác với những ấn phẩm phổ thông về phát triển bền vững hay ESG thường thấy trên thị trường, cuốn sách “Nghiên cứu thực chứng thí điểm trữ lượng carbon trong sinh khối trên bề mặt đất, rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam” không hướng đến số đông độc giả phổ thông.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học được triển khai bài bản, dựa trên khảo sát thực địa và phân tích định lượng, phục vụ mục tiêu cụ thể trong xây dựng chiến lược khí hậu và trung hòa carbon.

Cuốn sách ra đời không nhằm mục đích thương mại, mà được biên soạn dành cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng dữ liệu sinh thái và công cụ khoa học để hoạch định chính sách, xây dựng dự án hoặc vận hành cơ chế thị trường carbon.

Trong đó, có thể kể đến các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chứng nhận tín chỉ carbon, và đặc biệt là các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp bù trừ phát thải theo hướng tiếp cận tự nhiên.

Nội dung sách cung cấp một khung kỹ thuật định lượng trữ lượng carbon từ sinh khối rừng tự nhiên – bao gồm cách xác định cấu trúc rừng theo tầng, tính toán chỉ số ưu thế loài, chỉ số đa dạng sinh học, đo lường sinh khối cây gỗ tầng cao, cũng như phương pháp ước lượng hệ số carbon tương ứng.

Từ đó, giúp xây dựng nền tảng dữ liệu minh bạch và chuẩn hóa cho các dự án bảo tồn hoặc phát triển tín chỉ carbon trong tương lai.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của công trình là cách tiếp cận “môi trường rừng” không đơn thuần như một không gian sinh thái, mà còn là một thực thể mang giá trị tài sản carbon có thể định lượng, định giá và giao dịch trong tương lai.

Carbon là nguyên tố cơ bản tạo ra sự sống của mọi sinh linh, do đó, hàng hóa hóa carbon là vô lý!

Bà Trần Thị Lành - tác giả cuốn sách "Nghiên cứu thực chứng thí điểm trữ lượng carbon trong sinh khối trên bề mặt đất, rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam"

Cuốn sách làm rõ mối liên hệ giữa cấu trúc rừng, đa dạng sinh học và khả năng lưu trữ carbon – ba yếu tố nền tảng để xây dựng các chỉ số tín nhiệm sinh thái và phát triển sản phẩm tín chỉ carbon có độ tin cậy cao.

Trên cơ sở dữ liệu thu thập từ rừng mưa nhiệt đới Bắc Trung Bộ, nhóm nghiên cứu đã tính toán được trữ lượng carbon trung bình theo tầng sinh thái, xác định các loài cây chiếm ưu thế về sinh khối và hệ số tích lũy carbon, đồng thời đề xuất phương pháp xây dựng “hồ sơ tài sản carbon” cho từng vùng rừng cụ thể.

Đây là bước đi cần thiết để chuẩn hóa cơ sở khoa học cho việc tham gia thị trường carbon – một lĩnh vực còn mới mẻ và thiếu chuẩn mực minh bạch tại Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) tại buổi ra mắt cuốn sách “Nghiên cứu thực chứng thí điểm trữ lượng carbon trong sinh khối trên bề mặt đất, rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam” trong sự kiện Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025. Ảnh: Hoàng Anh

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) tại buổi ra mắt cuốn sách “Nghiên cứu thực chứng thí điểm trữ lượng carbon trong sinh khối trên bề mặt đất, rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam” trong sự kiện Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025. Ảnh: Hoàng Anh

Đặc biệt, chương 9 của cuốn sách – cũng là phần được nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Net Zero quan tâm – mở ra một hướng tiếp cận tích hợp giữa khoa học môi trường, công cụ tài chính carbon và phát triển vùng rừng bền vững.

Trong đó, rừng không chỉ được xem là “nguồn hấp thụ carbon”, mà còn là “tài sản carbon sống” cần được quản lý như một phần trong danh mục tài sản ESG của doanh nghiệp.

Thông qua việc cung cấp hệ số carbon sinh học cụ thể cho từng cấu trúc rừng – thay vì áp dụng ước lượng trung bình toàn quốc hay quốc tế – công trình góp phần định vị giá trị bản địa trong tính toán carbon, từ đó nâng cao độ chính xác và tính phù hợp khi doanh nghiệp triển khai dự án bù trừ phát thải tại Việt Nam.

Cuốn sách không phát hành rộng rãi trên thị trường, mà được giới thiệu và chia sẻ theo hình thức chọn lọc, nhằm đảm bảo đúng đối tượng sử dụng và phát huy giá trị chuyên sâu của công trình.

Đây là một tài liệu tham khảo quan trọng cho các tổ chức, doanh nghiệp đang triển khai các mô hình trung hòa carbon dựa vào thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cơ chế thị trường carbon nội địa và tham gia mạnh mẽ vào các cam kết khí hậu toàn cầu.

Mọi thông tin chi tiết về nội dung cuốn sách, vui lòng liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị TheLEADER để được hỗ trợ.

Công Hiếu

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/do-carbon-tu-rung-cach-tiep-can-khoa-hoc-cho-net-zero-d41229.html