Dỡ chà dưới bến sông hiền
Những khúc sông hiền. Ngoằn ngoèo doi rồi vịnh nhưng phải hiền. Đừng chảy xiết như những chi, nhánh của sông Tiền, ở đó có Vàm Nao với thứ cá bông lau cũng mặc kệ. Nói cách khác, vì chúng hiền nên mới cho con người công việc này. Phải, chúng hiền như cái tên của sông mẹ: sông Hậu.
Thời khẩn hoang, nghe đâu dưới lũ lục bình miên man ma quái kia còn có cá sấu và ma da. Con người với trí khôn và nợ sinh nhai của họ đã dần dần làm ra hệ thống kênh đào mạn trên. Thế là nước mặn bị đẩy lui, những chiếc ghe vạm vỡ của người đi lập nghiệp quyết liệt như vó ngựa. Con người rủ theo con người, làm bến, hạ tràm, phát lau sậy, xua lũ khỉ, bắt đầu những xóm những ấp trải dài hai bên triền sông. Nghe đâu ngày xưa đây là đường voi đi, thành lạch thủy, thành dòng chảy và khi có mặt con người, sông phong quang lên, bên bồi và bên lở.
Cô bé chào đời thì nước đã không còn nhảy lân tinh khi đêm xuống nếu có mái chèo khua. Cũng không còn khỉ voọc quấy phá cây trái. Người người cách nhau yên bình bởi những khoảnh vườn thâm nghiêm và những nếp nhà khang trang bằng lá dừa nước. Thứ lá luôn sẵn ấy khi đã vén khéo và sáng tạo với nó sẽ cho một mái ấm thực sự hòa mình với vườn tược và sông nước.
Khi ấy người ta cũng chưa cần đặt chà ven sông. Nghe người già kể, tầm mươi ngày đàn ông của xóm ấp rủ nhau đi kiếm cá một đêm bằng chài hoặc lưới. Đội ghe tam bản náo nức đi, chia sông ra từng khúc rồi mạnh ai nấy quây bắt cá tôm. Đàn bà ở nhà chuẩn bị đèn mù u, vỏ dừa để un muỗi và thức chờ. Khuya khuya, những chiếc tam bản cặp bến nhà, cá tôm đầy ắp cả lòng ghe đã tháo sạp trước khi đi. Có cả những cây rọi thấm dầu mù u giắt trên cột ở hàng hiên cho không khí ngày hội.
Thời thừa mứa ấy rồi cũng lui vào quá vãng. Tôm cá sinh sôi không nhanh bằng con người và lòng tham của họ. Cá ăn, cá bán, cá để dành bằng làm mắm làm khô, cũng để bán. Con người đã nghĩ ra cách giữ cá tôm lại cho những việc trọng mà không phải giết và ướp muối chúng. Việc này không dành cho dân bên vịnh, vốn là bên lở, nước đạp dữ mùa sóng gió. Và rồi người ta thỏa thuận ngầm, bên doi chia sẻ với bên vịnh những quãng sông dài quanh những cái doi lớn. Sở dĩ người bên doi hào phóng vậy là vì doi đã có biền lá dừa nước tự nhiên và có cả bãi bùn.
Nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹn, đàn ông chia nhau bao lưới cụm chà, ém chân lưới thật chặt xuống bùn. Ảnh: TL
Người bên vịnh hàng năm đều phải mua lá làm mới hoặc sửa chữa nhà. Và mua cả đất phù sa để về đắp liếp vườn. Có hẳn một nghề xắn đất phù sa đưa lên ghe rồi cầm dầm bơi qua bán cho dân vịnh mà thời ấy gọi là “bán mão”, tức là nhắm chừng và thỏa thuận qua loa của kẻ bán với người mua. Cây sẵn trong vườn nhà, dân vịnh hạ xuống những cây tạp, cây không quý và nhiều cành nhánh. Đưa chúng xuống tam bản, dĩ nhiên những nhà có đàn ông lực lưỡng mới làm nổi. Và chèo ghe qua cái doi xế bến nhà, hoặc cái doi xa xa chút. Không thể đến chỗ xa hơn vì ở đó cũng đã thuộc về thỏa thuận ngầm của cánh đàn ông ở nơi đó.
Họ dọn lục bình cho trống, chỗ giáp bờ là bãi bùn đứng ngập tới gối, chỗ giáp sông phải bơi trong nước để làm cái việc cắm chà. Thân cây, hoặc cành nhánh nguyên lá lúc này đều gọi là chà hết. Cắm chặt thứ đó xuống mặt sông, cụm chà rộng khoảng trăm mét vuông, chưa xong. Phải ném lục bình trở lại chỗ chúng bị tóm lên. Thế là sở hữu một cụm chà, không cần đăng ký, không cần gì cả, láng giềng biết của ai đó, biết hết và người chậm chân tìm cụm lục bình khác để cắm chà. Không có tranh nhau, cãi nhau, đừng nói gì đến đánh và đâm chém nhau. Thời con người hiền lành nhường nhịn và đùm bọc nhau, chưa bị người đông của khó.
Hàng năm trời, mưa nắng, nước trở màu phù sa rồi nước trong ra, áp Tết. Người ta bắt đầu đi dỡ chà, lần lượt để vần công nhau. Lại là cánh đàn ông lên tam bản chèo đến cụm chà nhà mình và đàn bà ở nhà chuẩn bị, háo hức. Những tay lưới rộng, có viền chân, vợt, lòng ghe và những cái rộng để giữ cho tôm cá sống. Nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹn, đàn ông chia nhau bao lưới cụm chà, ém chân lưới thật chặt xuống bùn. Rồi vài người nhảy vào trong ném lục bình đi. Phải có đến mấy người canh chừng chân lưới bởi vì cá to cùng đường lao mình vào đó để tìm cách tháo thân. Bây giờ mới là tiếng la hét, tiếng nói cười, vang dậy.
Vô số cá tưởng là đã tuyệt chủng nhưng chúng vẫn âm thầm bám sông, bám lục bình mà sống. Cá nâu, cá kết, cá chép, cá vãnh, cá mè vinh, cá cóc, cá lăng, cá ngát…Không thiếu những cụ cá hàng năm bảy ký, thậm chí hàng chục ký. Những con tôm càng xanh búng lách tách trong lùng nhùng lưới và tiếng hò reo của con người.
Tết miền sông nước, cá trong nồi, cá trong rộng, có những con được buộc đuôi vào trái dừa điếc để dừa nổi tới đâu, chủ nhà biết con cá đang ở đó. Khách đến, túm cá lên, lập tức có món cá hấp hoặc cá chiên xù hoặc cá canh chua, ngon hết biết.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/do-cha-duoi-ben-song-hien-30572.html