Đó còn là lòng tự trọng!
Việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sâu sắc truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc ta. Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cho người nghèo, địa phương nghèo đã tác động rất lớn tới việc rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, đưa công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đi lên.
Tuy nhiên, chính sách nhân văn đó đã nảy sinh tiêu cực, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại của không ít người... Năm 2017, ở Nga Sơn (Thanh Hóa) đã gây xôn xao cả nước khi nhiều người thân, họ hàng, thậm chí cả vợ “quan xã” trong danh sách “hộ nghèo” dù gia đình... không nghèo! Mấy ngày qua, cũng tỉnh Thanh Hóa đã có chuyện một cụ bà 83 tuổi ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân đi xe đạp đến UBND xã xin thoát nghèo!
Đó là cụ Đỗ Thị Mơ. Tuy sống trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2 khá tuềnh toàng nhưng cụ Mơ cho biết, cách đây hơn 1 năm, cụ quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã nhưng không thấy chính quyền xã trả lời nên cụ phải đạp xe lên xã tiếp tục xin thoát nghèo. Đã 83 tuổi nhưng cụ rất minh mẫn, nhanh nhẹn và vẫn trồng rau, nuôi gà ở mảnh vườn nhỏ nên cụ khẳng định mình có thể tự lo cho bản thân mà không cần tới sự hỗ trợ. Cụ muốn dành suất giúp đỡ đó cho người khó khăn hơn. Đó là tấm lòng đôn hậu của người cao tuổi, thể hiện đúng tinh thần “tuổi cao - gương sáng”, nhưng cao hơn là một người có lòng tự trọng, bản thân vẫn nỗ lực được.
Trên thực tế, khó khăn của công tác xóa đói, giảm nghèo hiện nay là nhiều người không muốn thoát nghèo. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung nhất là họ đang được hưởng quá nhiều chính sách ưu đãi và nếu thoát nghèo, họ không còn được hỗ trợ gạo, học phí, tiền điện, được nhận 100% phí bảo hiểm y tế và rất nhiều khoản tiền khác. Từ đó nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại... cái nghèo để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Mục đích của chính sách hỗ trợ người nghèo là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng nếu nguồn lực không đến đúng đối tượng, không phát huy hiệu quả, không có tác dụng lâu dài với hộ nghèo thì sẽ làm giảm tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội. Thậm chí còn tạo nên một bộ phận người dân chỉ biết than phiền, đòi hỏi; không hiểu được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội mà chỉ thấy mình đáng thương và nghiễm nhiên... hưởng lợi.
Sức ỳ trong thoát nghèo ở nhiều hộ dân không chỉ xảy ra ở một số địa phương vùng miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mà xuất hiện cả ở vùng đồng bằng, điều kiện kinh tế khá hơn. Đã đến lúc thay vì đầu tư cho hộ nghèo thì cần kích thích, khen thưởng hộ cận nghèo, mới thoát nghèo; cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tích cực lao động, tiếp cận nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật và các điều kiện sản xuất khác để thoát nghèo. Đồng thời, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền, nêu nhiều gương sáng như cụ Mơ để khuyến khích những hộ nghèo ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/do-con-la-long-tu-trong-261410