Đỗ đại học - Đừng để niềm vui ngắn chẳng tày gang
Đỗ đại học là niềm vui của tuổi trẻ, nhưng học phí là trăn trở của cha mẹ.
Nhận giấy báo trúng tuyển đại học là mơ ước của mọi thí sinh và niềm tự hào của cả gia đình, nhưng kèm theo sẽ là thông báo học phí phải nộp nhập học. Nếu không thực hiện sẽ đồng nghĩa với trượt đại học. Cần giải pháp khả thi để giữ lấy niềm vui cho "tuổi Teen" - tương lai của đất nước.
Sau giây phút vỡ òa vì đỗ đại học, nhiều thí sinh và gia đình phải đối mặt với nỗi lo mang tên học phí. Việc chọn trường xét tuyển không thể chỉ dựa vào điểm số, mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Với các bạn trẻ đến từ nông thôn, miền núi hoặc các gia đình đang khó khăn, khoản học phí của 3-5 năm đại học là vấn đề không hề nhỏ. Điều này từng khiến nhiều bạn đành gác lại giấc mơ đại học khi chưa kịp đặt chân vào giảng đường vì không thể cáng đáng được gánh nặng tài chính hàng chục tới cả trăm triệu đồng.
Rào cản đến từ sự thiếu thông tin và minh bạch
Dù chỉ là con số, nhưng học phí đang có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tương lai của mỗi thí sinh. Khác với bậc phổ thông, hệ thống giáo dục đại học hiện nay đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Các trường đại học công lập và tư thục đều có quyền tự quyết mức thu học phí hàng năm dựa trên định hướng đào tạo và năng lực vận hành. Nhưng nếu các trường không công khai rõ ràng, đầy đủ và kịp thời thông tin về học phí ngay trong thông tin tuyển sinh sẽ khiến cho thí sinh rất khó để đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Người thiệt thòi nhất vẫn là thí sinh và gia đình.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 có hơn 122.000 thí sinh dù trúng tuyển đã không xác nhận nhập học bởi nhiều nguyên nhân mà chủ yếu vì học phí và sinh hoạt phí vượt quá khả năng của gia đình. Năm 2023 con số này là 118.000 thí sinh.
Trong thông tin tuyển sinh được xem là “kim chỉ nam” để thí sinh và phụ huynh tra cứu thông tin, phần về học phí của nhiều trường chỉ ghi rất mơ hồ với những cụm từ như “dự kiến”, “phụ thuộc chương trình đào tạo”, “sẽ thông báo sau khi trúng tuyển”. Sự thiếu rõ ràng này khiến các gia đình không thể dự tính được chi phí cần chuẩn bị khi nhập học. Một số trường chỉ công bố mức học phí sát ngày nhập học, đẩy nhiều gia đình rơi vào thế bị động.
Tính đến 23/7/2025 (5 ngày trước khi kết thúc đăng ký xét tuyển đại học Đợt 1), vẫn còn 71 trường đại học chưa công khai học phí trong thông báo tuyển sinh và trên website của trường.
Theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, các trường phải công khai đầy đủ thông tin về mức học phí cụ thể theo từng chương trình đào tạo. Nếu không công khai học phí, trường đại học đã vi phạm pháp luật. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm phải giám sát vấn đề này. Việc thiếu thông tin về học phí không chỉ gây hoang mang trong một bộ phận xã hội, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về năng lực quản lý của cơ quan chức năng trước Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh học sinh chưa có thói quen đọc kỹ thông tin tuyển sinh hay lập kế hoạch tài chính từ đầu, dẫn đến tình trạng bị động khi nhận kết quả trúng tuyển. Một quan niệm sai lầm khá phổ biến hiện nay là cho rằng học phí trường công lập luôn thấp hơn trường tư thục.
Trên thực tế tại một số trường đại học công lập, đối với chương trình chất lượng cao, có mức học phí cao hơn so với trường tư thục. Việc hiểu biết không đầy đủ hoặc sai lệch có thể dẫn đến những quyết định vội vàng, khiến giấc mơ đại học của các bạn trẻ bị tan vỡ vì gia đình không thể kham nổi chi phí.
Đừng để học phí khép lại cánh cửa đại học
Không thể phủ nhận rằng xã hội đang có nhiều nỗ lực đồng hành cùng các thí sinh trên hành trình đến giảng đường đại học. Các trường đại học đều dành ngân sách để cấp học bổng dựa trên kết quả học tập hoặc điểm thi, như một sự ghi nhận kịp thời. Một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính cũng triển khai chương trình cho vay học phí nhưng thủ tục còn khá rườm rà, phức tạp.
Ở một góc khác, vẫn có những tấm lòng hào hiệp sẵn sàng hỗ trợ các sinh viên đặc biệt khó khăn, nhưng cơ hội này chỉ đến với những trường hợp được truyền thông phản ánh mạnh mẽ. Trong khi nhiều sinh viên khác phải lặng lẽ gác lại giấc mơ vì không biết cầu cứu ai.
“Đỗ đại học” – giấc mơ ấy cần được viết tiếp bằng sự chủ động, minh bạch. Trong một xã hội hướng đến công bằng và phát triển bền vững, mọi thí sinh đều cần được chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình tri thức của mình. Sự minh bạch từ phía các trường đại học và sự chủ động, tỉnh táo từ phía người học chính là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách ấy.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/do-dai-hoc-dung-de-niem-vui-ngan-chang-tay-gang.html