Đồ điện tử bị ngập nước sau bão lũ: Cách xử lý an toàn và hiệu quả
Mùa mưa bão tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang diễn biến phức tạp, trong khi miền Nam cũng đang đối mặt với những trận mưa kéo dài. Hậu quả của bão lũ gây thiệt hại nhiều thiết bị điện tử trong gia đình bị ngập. Nếu không xử lý đúng cách, các thiết bị này không chỉ hỏng hóc mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Khi phát hiện thiết bị điện tử bị ngập nước, việc đầu tiên và quan trọng nhất là ngắt nguồn điện, tháo pin (nếu có thể). Điều này giúp tránh hiện tượng chập điện, gây cháy nổ nguy hiểm. Nếu thiết bị còn kết nối điện rất dễ bị nước xâm nhập, điện có thể truyền đến các bộ phận không mong muốn, dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng.
Sau khi đảm bảo thiết bị đã ngắt nguồn điện, bước tiếp theo là làm sạch toàn bộ bùn đất và nước.
Tháo rời các vỏ ngoài của thiết bị, nhẹ nhàng lắc hoặc dốc ngược để nước chảy ra hết.
Sử dụng nước sạch để rửa các khu vực bị bùn bám, bởi bùn đất có thể gây hỏng các mạch điện và linh kiện bên trong.
Sau khi làm sạch, dùng khăn mềm lau khô các bộ phận trước khi để thiết bị ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Việc làm sạch kỹ càng là điều cần thiết, giúp loại bỏ các tạp chất có thể gây hư hại linh kiện sau này.
Sấy khô thiết bị đúng cách
Sau khi làm sạch, bước tiếp theo là sấy khô thiết bị. Người dùng có thể để thiết bị ở nơi thoáng gió hoặc sử dụng quạt để tăng tốc độ bay hơi của nước. Tuy nhiên, việc sấy khô bằng máy sấy cần thận trọng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc sấy không đúng cách có thể làm nước thấm sâu hơn vào các linh kiện.
Nếu sử dụng máy sấy, chỉ nên dùng ở chế độ nhiệt thấp (50-60°C) và không nên sấy liên tục. Mỗi lần sấy khoảng 2-3 phút, sau đó dừng lại để thiết bị tự nguội trước khi tiếp tục sấy. Điều này giúp tránh làm hỏng các linh kiện bên trong do nhiệt độ quá cao.
Kiểm tra và thay thế linh kiện bị hỏng
Sau khi thiết bị đã được sấy khô hoàn toàn, hãy tiến hành kiểm tra kỹ các linh kiện bên trong. Các bộ phận quan trọng như dây dẫn, bảng mạch, công tắc, cầu chì, hộp điện cần được kiểm tra cẩn thận. Nếu phát hiện dấu hiệu hư hỏng hoặc oxy hóa, hãy thay thế ngay lập tức để tránh sự cố sau này.
Trong trường hợp không chắc chắn về tình trạng của thiết bị, người dùng nên đưa đến các trung tâm bảo hành uy tín để được kiểm tra và sửa chữa.
Không vội vàng sử dụng lại
Sau khi thực hiện các bước trên, không nên bật thiết bị ngay lập tức. Hãy để thêm vài ngày để đảm bảo rằng thiết bị đã khô hoàn toàn và không còn độ ẩm. Đồ điện tử, khi bị độ ẩm tấn công, dễ dẫn đến nguy cơ chập điện hoặc cháy nổ nếu sử dụng khi chưa khô hoàn toàn.