'Đô đốc phố'
Theo tài liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố trình Hội đồng tư vấn đặt tên phố của tỉnh: Đô đốc Lộc có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Lộc, Đô đốc Tuyết tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tuyết và Đô đốc Bảo có tên đầy đủ là Đặng Xuân Bảo. Đây là 3 vị anh hùng thời nhà Tây Sơn, từng tham gia nhiều trận đánh đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta. Các vị đô đốc tài ba thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được phong Đại đô đốc, Xuất tả quân, có thời điểm nắm giữ tượng binh và kỵ binh. Khi nhà Tây Sơn suy yếu, có vị đô đốc tử trận, có vị bị địch bắt nhưng tuyệt thực để giữ khí tiết.
Thành phố Lào Cai hiện có hơn 400 tuyến phố được định danh, chủ yếu mang tên các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, tên người có công lớn với quê hương. Tại phường Bắc Cường có 3 tuyến phố khá đặc biệt là mang tên các đô đốc anh hùng thời nhà Tây Sơn.
Thầy giáo Nguyễn Đình Toản thường dành một phần bài giảng lịch sử
để kể chuyện về các đô đốc anh hùng.
Trước khi chuyển đến sinh sống tại phố Đô đốc Lộc, phường Bắc Cường vào năm 2018, vợ chồng cô giáo Phạm Thị Huy và thầy Vũ Năng Hùng (nay đều đã nghỉ hưu), nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Tân, có gần 30 năm sống tại phố Trần Quốc Toản, phường Cốc Lếu. Ngay từ những ngày đầu chuyển về nơi ở mới, vợ chồng cô Huy, thầy Hùng đã quan tâm tới tên các tuyến phố đô đốc, thế là thầy cô tò mò “lặn lội” vào internet, sưu tầm các tài liệu để tìm hiểu về những vị anh hùng dưới thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Càng tìm hiểu, cô Huy, thầy Hùng càng thấy thú vị bởi tên phố vừa lạ, vừa quen, vừa khó nhưng cũng rất dễ nhớ. Ví như Đô đốc Tuyết có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tuyết, Đô đốc Lộc có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Lộc hay Đặng Xuân Bảo là tên của danh tướng Đô đốc Bảo, người ta không lấy tên “húy” của các tướng lĩnh để đặt phố mà lấy tước hiệu đã kích thích trí tò mò của người muốn biết.
Theo tài liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Lào Cai, phố Đô đốc Lộc dài 540 mét, phố Đô đốc Tuyết dài 500 mét và phố Đô đốc Bảo dài 210 mét. Cả 3 tuyến phố đều thuộc Tiểu khu đô thị số 4, thuộc tổ 3 và tổ 4, phường Bắc Cường. Các phố đô đốc đặt thành cụm phố, kết nối hoặc chạy song song với nhau.
Cùng phóng viên tham quan các tuyến phố đô đốc, bà Phạm Thị Xuyến, Tổ trưởng dân phố số 3, phường Bắc Cường cho hay, tổ dân phố có 155 hộ, nằm trọn trên 3 tuyến phố đô đốc. Là phố mới hình thành nên hầu hết các hộ mới ở đây từ 1 đến 5 năm. Phố Đô đốc Bảo ngắn nhất trong các tuyến phố mang tên các vị anh hùng ở đây, phố có đến quá nửa chiều dài nhìn ra Tiểu công viên khu dân cư số 3, cả dãy phố hiện có gần 20 nóc nhà.
Một trong những ngôi nhà ở dãy phố Đô đốc Bảo là của gia đình ông Lê Quang Vinh, cách đây 1 năm, gia đình ông ở phố Sơn Đạo, phường Cốc Lếu. Ông Vinh bảo mình định cư ở Cốc Lếu từ 1996, sau đó nhà xuống cấp, chật chội nên gia đình bán đi và chuyển về Bắc Cường để hưởng không gian thoáng đãng hơn. Gần nhà ông Vinh là 2 ngôi biệt thự 3 tầng mới xây dựng, trông bề thế, nguy nga, tráng lệ, chủ nhân đều là cán bộ của một doanh nghiệp đặc thù khối nhà nước đóng chân trên địa bàn tỉnh. Chị Phương, chủ một trong hai ngôi biệt thự cho biết, hai con của chị một đang học phổ thông và một mới học lên đại học. Các con của chị rất tự hào với tên phố nhà mình, đi đâu cũng khoe, chờ ai đó hỏi thì giới thiệu về danh tướng Đặng Xuân Bảo như một phần thân thích của mình.
Bà Xuyến, Tổ trưởng dân phố cho biết thêm, hầu hết các hộ tại 3 dãy phố đô đốc có điều kiện kinh tế khá giả. Tính riêng phố Đô đốc Lộc đã có hơn 10 hộ làm nhà biệt thự với diện tích chiếm từ 2 đến 5 lô đất (khoảng 200 đến 1.000 m2). Tổ dân phố số 3 không có hộ nghèo, không có đối tượng mắc tệ nạn xã hội, các hộ đều gương mẫu chấp hành các quy định về xây dựng đô thị văn minh, con người thân thiện. Năm 2018, tổ dân phố số 3 huy động nhân dân góp được 112 triệu đồng để xây dựng tiểu công viên và nhà văn hóa, riêng các hộ có nhà ở hướng ra công viên tự nguyện ủng hộ số tiền cao gấp 2 đến 3 lần hộ khác.
Phố Đô đốc Tuyết có điểm khởi đầu nối với phố Đô đốc Bảo, chạy song song với phố Đô đốc Lộc và điểm cuối phía Nam nối với phố Lê Thanh. Phố Đô đốc Tuyết chỉ bố trí nhà ở dân cư một bên nên phố chỉ có nhà số chẵn, mặt phố đối diện gồm tiểu công viên và cổng chính, tường rào Trường THCS Bắc Cường. Cô Tạ Hương Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Cường cho biết, trước đây ngôi trường chỉ tiếp giáp với phố Lê Thanh và cổng cũng mở ra hướng đó. Từ khi có thêm dãy phố Đô đốc Tuyết, tuyến phố mới cấm phương tiện trọng tải lớn lưu thông nên cổng chính mở ra đây để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Qua cô Giang, tôi được làm quen với thầy giáo Nguyễn Đình Toản, giáo viên dạy môn lịch sử của Trường THCS Bắc Cường. Thầy Toản bảo có thể việc đặt tên là ngẫu nhiên nhưng với thầy cô giáo, các em học sinh thì tên phố Đô đốc Tuyết trước cổng chính có ý nghĩa rất lớn. Mỗi ngày khi đi qua tuyến phố, trực quan sinh động đã khơi gợi trí tò mò, tinh thần học tập, sự quan tâm của các em học sinh đối với lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Để dẫn chứng, thầy Toản giới thiệu với tôi trò chuyện qua điện thoại với em Trần Minh Đức, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Luật Hà Nội, vốn là “học trò cưng” của thầy. Trước đây em Đức không coi trọng môn lịch sử lắm nhưng cách đây 2 năm, khi đang học lớp 11, một lần đi qua Đức gặp cảnh người ta đang gắn tên phố Đô đốc Tuyết lên trước cổng trường. Lân la hỏi mới biết đó là tên danh tướng, càng tìm hiểu, khối thông tin, kiến thức càng hấp dẫn, cuốn chặt Trần Minh Đức vào “vòng xoáy tình yêu” với môn lịch sử Việt Nam. Kết quả là trong khi hầu hết các địa phương phải báo động về tình trạng học sinh “bỏ quên” môn lịch sử thì tại kỳ thi THPT và đại học quốc gia năm 2019, Trần Minh Đức đã đạt điểm môn lịch sử gần tuyệt đối: 9,75 điểm. Đây là điểm môn lịch sử cao hàng top đầu của cả nước nói chung và Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, bằng điểm của một học sinh của Lào Cai từng đoạt giải Ba học sinh giỏi môn lịch sử cấp quốc gia.
Trò chuyện với phóng viên, em Đức tỏ lòng: “Bây giờ học chuyên ngành luật nhưng em vẫn còn nguyên vẹn đam mê với lịch sử, vẫn dành thời gian để đọc sách, nghiên cứu tài liệu lịch sử quốc gia, dân tộc. Em luôn dành một phần trong đó để tỏ lòng biết ơn thầy cô, ngôi trường cũ và cả tuyến phố mang tên những vị anh hùng”.
Thành phố Lào Cai vẫn trong thời kỳ phát triển nhanh, mạnh, cùng với đó sẽ có thêm nhiều tuyến phố mới hình thành và việc đặt tên phố sẽ càng có ý nghĩa hơn khi gắn với tên những vị anh hùng dân tộc như 3 vị đô đốc thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/do-doc-pho-z5n20200109124247885.htm