Độ giàu có của những gia tộc Hoa kiều nức tiếng tại Việt Nam
Nhiều gia tộc Hoa kiều nức tiếng tại Việt Nam đã tạo nên những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, tiêu dùng...
Gia đình "Vua giày dép" Vưu Khải Thành
Nhắc đến gia tộc Hoa kiều giàu có tại Việt Nam không thể bỏ qua gia đình "Vua giày dép" Vưu Khải Thành. Thương hiệu Biti’s được gia đình ông Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80.
Ông Vưu Khải Thành sinh ngày 26/1/1950, dân tộc Hoa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông cùng vợ là bà Lai Khiêm khởi đầu sự nghiệp kinh doanh với 15 công nhân và những chiếc máy rỉ sét năng suất thấp.
Thời điểm đó, Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành nằm tại đường Bình Tiên, quận 6, TP HCM. Ban đầu, doanh nghiệp chỉ là các loại dép cao su xuất khẩu, thị trường chủ yếu là Liên Xô cũ và các nước Đông Âu.
Đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và gây được thiện cảm của người dùng Việt nhờ câu “Nâng niu bàn chân Việt”.
Biti’s còn là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD. Tuy nhiên, người góp phần nâng tầm thương hiệu Biti's không phải doanh nhân Vưu Khải Thành mà là con gái của ông, Vưu Lệ Quyên. Ái nữ nhà Biti's đã đem tới hàng loạt những cải cách lớn như sử dụng mô hình cửa hàng tiếp thị thay vì bán hàng qua kênh đại lý, áp dụng phần mềm ERP và SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, mô hình cửa hàng Biti’s cho mọi thành viên trong một gia đình.
Gần 40 năm trên thương trường, vợ chồng ông Vưu Khải Thành bắt đầu chuyển giao công việc kinh doanh cho các con. Hiện, con gái của ông, Vưu Lệ Quyên đang nắm giữ chức vụ CEO của Biti’s, trong khi ông Vưu Khải Thành là Chủ tịch HĐQT công ty.
Gia tộc “Vua gốm sứ” Lý Ngọc Minh
Minh Long I là công ty tách ra từ doanh nghiệp Minh Long do ông Lý Ngọc Minh và người bạn Dương Văn Long sáng lập từ 1970, và kinh doanh các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ. Ông Minh đã đưa Minh Long I thành thương hiệu gốm sứ cao cấp, tập trung vào thị trường nội địa thay vì xuất khẩu phần lớn như trước đây. Minh Long I hiện có nhiều dòng sản phẩm, từ dòng dùng cho gia đình, dòng chuyên dùng cho nhà hàng, khách sạn (Ly’s Horeca), dòng sản phẩm dưỡng sinh (HealthyCook) đến sứ mỹ thuật trang trí, trang sức…
Tình yêu gốm sứ trong doanh nhân nhân Lý Ngọc Minh được truyền lại từ đời ông nội, vốn là người Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ông Lý Ngọc Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Nhiều thành viên gia đình ông Lý Ngọc Minh cùng tham gia công ty Minh Long I. Ông Minh vừa chính thức rời vị trí tổng giám đốc từ giữa 2022, chuyển giao cho con trai lớn Lý Huy Sáng, giữ chức danh chủ tịch. Vợ ông, bà Lý Ngọc Dung nhiều năm làm phó tổng giám đốc. Ba người con còn lại là Lý Kha Trân, Lý Huy Đạt và Lý Huy Bửu giữ các trọng trách về tài chính, thiết kế và sản xuất.
Gia tộc thao túng thị trường mía đường Đặng Văn Thành
Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, là người Việt gốc Hoa, gia đình truyền thống làm nghề đông y nhưng ông lại mang trong mình máu kinh doanh từ nhỏ. Sau khi rời khỏi lĩnh vực ngân hàng, vợ chồng ông Đặng Văn Thành nhanh chóng củng cố vai trò trong ngành mía đường Việt Nam thông qua việc thực hiện các thương vụ M&A đình đám.
TTC Group tiền thân là cơ sở sản xuất cồn do ông Đặng Văn Thành và vợ Huỳnh Bích Ngọc thành lập năm 1979. Sau hơn 40 năm phát triển, TTC Group trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch…
Doanh nhân Đặng Văn Thành là người dẫn dắt hoạt động của TTC Group trên cương vị chủ tịch TTC. Bà Huỳnh Bích Ngọc, phó chủ tịch TTC Group, là chủ tịch TTC Sugar và TTC Land.
Ngoài vợ, ông Đặng Văn Thành có ba con đang sát cánh kinh doanh cùng gia đình. Đặng Hồng Anh, con trai cả, phó chủ tịch TTC Group, phó chủ tịch TTC Land. Con thứ Đặng Huỳnh Ức My, phó chủ tịch TTC Group phụ trách các hoạt động nông nghiệp và đầu tư. Hai người còn lại Đặng Huỳnh Anh Tuấn và Đặng Huỳnh Thái Sơn sau khi du học đã gia nhập tập đoàn.