Đo huyết áp thường xuyên để ngăn chặn đột quỵ
HNN - Tăng huyết áp (THA) từ lâu đã được xem là 'kẻ giết người thầm lặng', vì nó thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, cho đến khi gây ra những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc suy thận… Và một trong những cách hiệu quả, thiết thực, dễ thực hiện nhất để kiểm soát tình trạng này chính là đo huyết áp định kỳ.

Người dân tham gia kiểm tra huyết áp tại cơ sở y tế
Cả xã hội rất quan tâm
Những thông tin được Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam thông tin về “kẻ giết người thầm lặng” đã khiến nhiều người giật mình. Đó là người bị THA đang trẻ hóa do tỷ lệ béo phì và thay đổi lối sống. Một nghiên cứu cho thấy, ở tuổi thiếu niên tỷ lệ mắc THA là 3,2% và tiền THA là 15,7%. THA và đột quỵ xảy ra ở độ tuổi tương đối trẻ ở châu Á và nguy cơ mắc THA tăng lên ngay cả khi chỉ số khối cơ thể chỉ ở trong khoảng 23 - 25kg/m2.
Nhìn chung, người châu Á có huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và huyết áp động mạch trung bình cao hơn; đồng thời, mối liên hệ giữa huyết áp và đột quỵ mạnh hơn, cũng như THA buổi sáng và THA ban đêm ở người dân châu Á cao hơn so với người dân châu Âu. Thừa cân, ít vận động, uống rượu, ăn nhiều muối, đái tháo đường và hút thuốc là những yếu tố nguy cơ gây THA ở hầu hết các quốc gia ở châu Á. Ngoài ra, tỷ lệ kiểm soát huyết áp thấp là hiện tượng phổ biến ở các nước châu Á. Kiểm soát huyết áp không đầy đủ là do nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, giới tính, dân tộc, tình trạng chăm sóc sức khỏe…
Tại Việt Nam, tỷ lệ THA ngày càng tăng khi tình hình kinh tế của đất nước được cải thiện và Bộ Y tế đã đưa bệnh THA vào chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị và tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở Việt Nam tăng lên trong 10 năm qua. Dữ liệu của chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” từ năm 2017 đến 2019 tiến hành trong toàn quốc của Hội THA Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam cho thấy, THA chiếm đến 1/3 số người được khảo sát và chỉ 1/3 bệnh nhân điều trị nhưng không kiểm soát được huyết áp.
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế) cho rằng, vấn đề huyết áp không chỉ người thầy thuốc, nhân viên y tế mà tất cả mọi người trong xã hội với sự nâng cao kiến thức chung vô cùng quan tâm. Đó là chỉ dấu ban đầu đáng tin cậy về tình hình sức khỏe, đặc biệt khi nó có tác động trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của mỗi người. Ông Huy nói thêm, những năm gần đây, bên cạnh phương tiện đo huyết áp truyền thống thì công nghệ đo huyết áp đã tân tiến hơn nhiều, trong đó trí tuệ nhân tạo cũng đã tạo ra ứng dụng theo dõi huyết áp. Từ đó phân tích, đưa ra những khuyến nghị hợp lý cho mỗi người, cũng như đưa ra những chỉ định can thiệp trong điều trị cho các bác sĩ.

Việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng và dự phòng hiệu quả bệnh THA là vô cùng quan trọng
Nhiều người không biết mình mắc bệnh
Trong khi đó, theo PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP. Huế, tại Việt Nam, cứ 5 người lớn thì có ít nhất 1 người bị THA, trong đó có đến gần 50% không biết mình mắc bệnh và một tỷ lệ lớn không được điều trị đúng hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp.
Riêng tại TP. Huế, tỷ lệ mắc THA ở người trên 40 tuổi vượt ngưỡng 30% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không có những can thiệp hiệu quả. Trước tình hình đó, TP. Huế có kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có bệnh THA. Các giải pháp chủ yếu được đề ra như: tăng cường hoạt động tầm soát, phát hiện sớm bệnh THA; củng cố hệ thống quản lý bệnh THA tại y tế cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn định kỳ về phác đồ điều trị, tư vấn, theo dõi huyết áp, giúp đội ngũ y tế nâng cao năng lực quản lý bệnh THA hiệu quả. Ngoài ra, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các chiến dịch truyền thông đa phương tiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của THA, chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực và bỏ thuốc lá…
“Việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng và dự phòng hiệu quả bệnh THA là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh mà còn góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và nâng cao sức khỏe cộng đồng”, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức cộng đồng về tăng huyết áp
Trước những lo ngại do THA gây ra, chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” đã ra đời. Sáng kiến y tế toàn cầu do Hiệp hội THA Thế giới phối hợp Liên đoàn Tim mạch Thế giới khởi xướng, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về THA và thúc đẩy hoạt động đo huyết áp rộng rãi tại trên 120 quốc gia thành viên.
Tại Việt Nam, chương trình được Phân hội THA Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam tích cực tham gia ngay từ năm 2017 và được duy trì hàng năm ngay cả trong thời kỳ dịch COVID -19, đến nay đã tầm soát trên 300.000 người.
Đánh giá về chương trình này, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo cho rằng đó là sáng kiến toàn cầu đầy ý nghĩa. Từ đó để chúng ta nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích người dân chủ động kiểm tra huyết áp định kỳ và có biện pháp quản lý và can thiệp kịp thời. “Sở Y tế TP. Huế cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế, tổ chức, đoàn thể để mở rộng các hoạt động tầm soát, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, hướng tới mục tiêu mỗi người dân đều biết và kiểm soát tốt huyết áp của mình”, ông Hảo chia sẻ.