Dở khóc dở cười khi chơi pickleball với sếp

Sếp là đối thủ, chị Thảo chơi hết mình nên thường giành phần thắng, nhưng sau trận lại nghe lời bóng gió khiến chị không thoải mái.

Tham gia phong trào pickleball ở công ty, chị Lê Thảo (phường Phú Thuận, TP.HCM) thường được mọi người ưu tiên chọn ghép cặp, nhất là sếp, vì chơi chắc tay, có chiến thuật và phản xạ tốt.

Lúc đầu, chị Thảo thấy vui, nhưng dần trở nên mệt mỏi. Hễ đánh cùng sếp, chị phải “bao sân”, xử lý gần hết các pha bóng để giữ trận đấu không bị ngắt quãng liên tục. Trong khi đó, sếp chị vẫn đang loay hoay với cú phát bóng hoặc gần như không di chuyển.

Căng nhất là khi sếp là đối thủ. Chị Thảo chơi hết mình thường thắng, nhưng sau trận lại nhận được câu bâng quơ “do chị đau bụng, qua mất ngủ nên nhường em thắng thôi” hay “Thảo đánh giỏi thế, gấp mấy lần sếp nhỉ” khiến chị cảm giác không thoải mái.

Không chỉ sếp, vài đồng nghiệp cũng nhắn riêng, khuyên chị Thảo nên "giữ ý" khi chơi. Họ nói thắng nhiều dễ khiến sếp không vui, thậm chí bị ghét.

"Tôi cảm thấy ngột ngạt. Một trò chơi thể thao đơn giản giờ trở thành chỗ phải tính toán cảm xúc người khác", chị bộc bạch.

Pickleball không chỉ là môn thể thao kết nối, đôi khi, nó còn đặt người chơi vào tình huống tế nhị, khó xử như giữa sếp và nhân viên. Không ít trận đấu trở thành nơi người ta phải “giữ kẽ”, sợ thắng thì mất lòng, thua cũng không tự nhiên.

 Chị Thảo từng rơi vào tình huống khó xử với sếp khi chơi pickleball. Ảnh: NVCC.

Chị Thảo từng rơi vào tình huống khó xử với sếp khi chơi pickleball. Ảnh: NVCC.

Khó xử

Anh Văn Hải (phường Hà Đông, Hà Nội) không đam mê thể thao, nhưng vẫn phải ra sân pickleball mỗi chiều vì "sếp thích vậy". Cấp trên của anh mê bộ môn này đến mức coi đó là “văn hóa công ty”. Mỗi ngày tan làm lúc 17h, 17h15 mọi người phải có mặt trên sân.

"Vắng một buổi là hôm sau vào họp, thế nào cũng bị soi", anh Hải kể.

Có lần, anh Hải xin phép ở lại văn phòng hoàn thành báo cáo tồn. Sếp không nói gì nhưng sáng hôm sau cuộc họp có báo cáo anh làm bị sửa tới tấp. Cuối buổi, sếp kết lại: “Tinh thần teamwork không phải chỉ trong phòng họp mà còn ở ngoài sân. Ai chỉ biết làm việc cho xong rồi về thì khó đi xa ở công ty này”.

Sau giờ đánh pickleball, anh Hải phải đi ăn với sếp. Về tới nhà gần 22h, anh lại lật đật bật máy “cày” tiếp báo cáo cho kịp deadline sáng hôm sau.

Ban đầu, anh Hải nghĩ có thể cân bằng, nhưng sau vài tháng, anh bắt đầu thấy mọi thứ xoay quanh cây vợt và trái bóng. Những người chơi thường xuyên được nhắc tên trong cuộc họp, còn người nào "lười ra sân" thì bị xem là “khó hòa nhập”.

“Pickleball trở thành tiêu chuẩn ngầm. Không nói ra, nhưng ai chơi đều thấy rõ sân bóng mới là nơi đánh giá được ai thân với sếp, ai không”, anh nói.

 Pickleball đôi khi đặt người chơi vào tình huống tế nhị, khó xử như giữa sếp và nhân viên. Ảnh minh họa: Anh Lee/Pexels.

Pickleball đôi khi đặt người chơi vào tình huống tế nhị, khó xử như giữa sếp và nhân viên. Ảnh minh họa: Anh Lee/Pexels.

Chị Thu Uyên (phường Gò Vấp, TP.HCM) không tham gia pickleball ở công ty vì không chơi được. Sau giờ làm, chị muốn về nhà, chăm con, nghỉ ngơi. Công việc vẫn hoàn thành đúng hạn, thậm chí thường xuyên đạt KPI tốt. Nhưng chị bắt đầu nhận thấy những thay đổi lặng lẽ trong môi trường làm việc.

Trước kia, chị Uyên là người được giao những dự án lớn. Nhưng dần dần, các dự án hấp dẫn được chuyển sang người khác, theo quan sát của chị đa phần là những người chơi pickleball đều đặn.

Một lần, trong buổi họp phòng, sếp nói: “Tôi ưu tiên người có tinh thần đồng đội, ai chỉ biết làm việc cá nhân thì khó phát triển lâu dài”. Không nhắc tên, nhưng chị Uyên hiểu rõ thông điệp đó hướng về ai.

Có lần, chị Uyên thử ra sân để không mang tiếng “lười giao lưu”. Nhưng chỉ sau vài lượt bóng, chị bị lỡ tay, di chuyển không kịp. Sếp nhíu mày bảo: “Đánh kiểu này thì hơi mệt nhỉ”, rồi không ai rủ chị lần thứ 2.

 Nhiều nhân viên mệt mỏi khi pickleball trở thành "thước đo ngầm" trong công việc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân viên mệt mỏi khi pickleball trở thành "thước đo ngầm" trong công việc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Anh Quốc Huy (phường Cầu Giấy, Hà Nội) lại rơi vào thế khó vì chơi quá giỏi. Là kỹ sư IT, anh vốn ít nói, chỉ tập trung làm việc. Nhưng một buổi giao lưu nội bộ, sếp tình cờ rủ anh đánh thử. Không ngờ anh Huy lại đánh tốt khiến sếp ấn tượng, từ đó anh trở thành “tay vợt số 1” trong công ty.

Sếp ưu ái gọi anh Huy trong mọi trận đấu. Có hôm còn rủ anh chơi riêng cùng nhóm đối tác. Những buổi họp sau đó, anh được nhắc tên nhiều hơn, nhận dự án quan trọng, báo cáo anh gửi được sếp phản hồi ngay trong ngày. Nhưng cùng lúc đó, không khí giữa anh và đồng nghiệp dần lạnh nhạt.

Ban đầu chỉ là những câu đùa: “Người nhà sếp giờ bận rộn quá”. Sau đó, đồng nghiệp bóng gió: “Một số người thì giỏi giao lưu thì cần gì làm việc”.

Anh Huy muốn rút khỏi sân, nhưng không dễ. Vài lần anh viện lý do bận để từ chối nhưng cách này không ổn. Anh thấy mình như bị kẹt. Tiếp tục chơi thì mất bạn, dừng lại thì mất lòng sếp.

Pickleball, với anh Huy, từ môn thể thao xả stress trở thành áp lực. "Mắc kẹt" giữa đồng nghiệp và lãnh đạo khiến anh lúc nào cũng trong trạng thái phải dè chừng.

Lựa chọn

Sau nhiều lần phải “gánh team”, nhất là khi đánh cặp với sếp, chị Lê Thảo bắt đầu cảm thấy mệt. Chị quyết định từ chối khéo các lời rủ chơi, viện cớ bận, sức khỏe không cho phép hoặc đơn giản là không sắp xếp được thời gian.

“Tôi không muốn biến một hoạt động mình từng thích thành chuyện phải ‘diễn’ cho vừa lòng người khác”, chị bày tỏ.

Sau vài tháng cố gắng ra sân pickleball và giữ hiệu suất công việc, anh Văn Hải nhận ra cách này không ổn. Anh bắt đầu giới hạn lịch ra sân, chỉ tham gia 1-2 buổi/tuần và thông báo rõ với sếp lý do công việc cần ưu tiên. Anh không muốn tiếp tục hy sinh thời gian cá nhân vô điều kiện.

Cùng lúc đó, anh Hải tập trung làm tốt phần việc chuyên môn. Khi bị nhắc chuyện "thiếu tinh thần đồng đội", anh thẳng thắn nêu lại khối lượng công việc và đề nghị tách bạch rõ giữa giải trí và hiệu suất. Cách phản ứng dứt khoát, không né tránh giúp anh giữ được sự tôn trọng.

 Chị Uyên quyết định nghỉ việc sau nhiều lần rơi vào tình thế khó xử chỉ vì một môn thể thao. Ảnh: NVCC.

Chị Uyên quyết định nghỉ việc sau nhiều lần rơi vào tình thế khó xử chỉ vì một môn thể thao. Ảnh: NVCC.

Sau nhiều đêm trăn trở, chị Thu Uyên quyết định nghỉ việc vì không muốn đánh đổi thời gian cá nhân cho một môi trường đặt nặng hình thức hơn là năng lực thật sự. Hiện tại, chị đã có công việc mới. Mỗi khi nghĩ đến người sếp cũ, chị khẳng định quyết định nghỉ việc là đúng đắn.

“Từ khi nghỉ việc, tôi bỏ luôn pickleball. Ở công ty mới, ai thích thì rủ nhau đi chơi, không ai ép ai. Không phải lúc nào gắn kết cũng cần ra sân thể thao”, chị nói.

Sau vài tháng rơi vào thế khó, anh Quốc Huy chọn cách rút dần. Anh không từ chối sếp ngay, nhưng bắt đầu viện lý do bận dự án, kẹt lịch riêng để giảm tần suất ra sân.

Có thể không còn được ưu ái như trước, nhưng đổi lại anh có được sự thoải mái khi làm việc. “Tôi chọn bước lùi nhỏ để không bị đẩy vào thế khó. Chơi thể thao là phụ, đi làm vẫn là chính”, anh nói.

Bên cạnh đó, anh Huy thẳng thắn trao đổi với sếp việc tham gia pickleball khiến anh bị cả cấp trên lẫn đồng nghiệp đánh giá khác đi, trong khi năng lực chuyên môn mới là điều nên được nhìn nhận.

Sau đó, sếp anh Huy bắt đầu bớt nhắc đến pickleball trong các buổi họp, không còn gắn việc ra sân với tinh thần tập thể như trước. Anh Huy vẫn ra sân nhưng giảm bớt tần suất, sếp cũng hạn chế rủ anh đi riêng.

“Từ khi mạnh dạn chia sẻ, tôi thấy dễ chịu và thoải mái hơn khi đi làm, không còn cảm giác bị áp lực hay đánh giá chỉ vì chuyện tham gia pickleball”, anh Huy nói.

An Chi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/do-khoc-do-cuoi-khi-choi-pickleball-voi-sep-post1567296.html