'Dở khóc dở cười' với những kiểu dừng, đỗ ô tô 'không ý tứ'
Kinh tế phát triển, đời sống người dân Hà Tĩnh ngày một nâng cao. Chuyện sắm cái 'bốn bánh' làm phương tiện đi lại giờ không phải là quá khó với nhiều gia đình. Ra đường bây giờ, phương tiện là ô tô rất nhiều.
Xe đủ kiểu dáng, màu sắc lướt đi trên phố phường, làng quê. Khắp nơi trên vỉa hè, lề đường, nhìn đâu cũng thấy ô tô dừng, đỗ. Nhưng cũng từ chuyện dừng, đỗ ô tô, nảy sinh bao nhiêu vấn đề bắt nguồn từ ý thức của người cầm vô-lăng.
Một lần có việc phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, theo sự chỉ dẫn của người bảo vệ, tôi đã nép xe vào góc cuối trong bãi đậu. Trước khi bấm khóa xe, tôi còn nhìn trước nhìn sau xem xe mình có chặn lối ai ra không. Thế nhưng, khi xong việc trở ra thì: Ôi thôi! một chiếc Hyundai màu đỏ của ai đã chềnh ềnh ngay phía sau đuôi xe mình! Ông bảo vệ thanh minh: “Tôi đã chỉ hướng đậu, còn bận hướng dẫn phía bên kia, quay lại thì đã thế này”. Nhìn tôi khổ sở với chiếc xe không thể lùi, không thể tiến của mình, mặt nhăn mày nhó, người bảo vệ cũng thông cảm và động viên: “Thôi chị cố chờ tý, chắc họ có việc vội”.
Lần khác lại là nỗi bực dọc sau đám cưới con nhà hàng xóm. Lần này, “người bịt lối ra” không chỉ với xe tôi mà cả hai chiếc xe khác đậu phía trong sân sau của một cơ quan ở phía bên trái nhà hàng. Lại phải chờ chủ nhân của nó tan tiệc đi ra. Quá 12h, khách khứa đã về hết, chỉ có tôi và 4 người bị “phong tỏa” đang ngồi chờ. Thương hơn là 4 người này phải về tận Đô Lương (Nghệ An). Rồi chủ nhân của chiếc Camry cũng ra, dẫu anh ta rối rít xin lỗi, nhưng sự bực bội thì cứ vương theo tôi về tận nhà. Từ 2 chuyện trên, dẫu rất cẩn thận khi đỗ xe, tránh phiền hà người khác nhưng tôi vẫn phải luôn tự nhắc mình không vội vàng, hấp tấp và vô ý khi dừng, đỗ ô tô.
Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ việc dừng, đỗ xe. Ở các nước tiên tiến, do kết cấu hạ tầng đồng bộ nên việc dừng, đỗ xe rất nghiêm ngặt, cùng với camera giao thông lắp đặt khắp nơi, ai vi phạm bị xử phạt rất nặng. Tuyệt đối không được dừng, đỗ trên đường cấm, gần ngã ba, ngã tư, không được chặn lối đi của người và phương tiện. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã tiến hành kẻ vạch và cắm biển P (được dừng, đỗ xe) cho một số tuyến đường lớn. Nhưng tại nhiều tuyến đường nhỏ, chật hẹp, nhất là trong khu dân cư, tất cả đang trông chờ ở lối ứng xử của người cầm vô-lăng.
Anh bạn tôi nhà ở đường Nguyễn Du, mặt tiền có 5,5m, hai bên là quán hàng ăn, dù là vỉa hè phía trước được đỗ xe nhưng nhiều hôm xe anh về đến nơi thì xe của thực khách đã đậu kín, chỉ còn nước kiếm chỗ vắng đậu tạm. “Nhà mình mà mình có được cho xe vào đâu” - anh nói với vẻ không vui. Không riêng gì anh, nhiều gia đình mặt phố vỉa hè chật hẹp, khách đến “đỗ tạm” xe để mua bán hoặc vào thăm nhà bên cạnh “không ý tứ’ khiến việc đi lại khó khăn.
Khi đời sống người dân ngày một nâng cao, phương tiện ô tô ngày càng nhiều, thiết nghĩ, mỗi người cầm lái cần nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử khi dừng, đỗ xe, tránh vi phạm luật giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống người khác.