Đô la Mỹ chịu áp lực giảm giá vì triển vọng giảm lãi suất của Fed
Ngọc Huyền
(KTSG Online) – Đô la Mỹ vừa trải qua tuần giảm giá mạnh nhất trong một tháng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất 3 đợt trong năm tới, khác với lập trường tiếp tục thắt chặt tiền tệ các ngân hàng trung ương ở châu Âu.
Trong phiên giao dịch 15-12, chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ mạnh, tăng hơn 0,6% lên mức 102,59 điểm. Dù vậy, chỉ số này giảm gần 1,39% trong tuần qua, mức giảm hàng tuần mạnh trong một tháng
Đồng bạc xanh đang chịu áp lực giảm giá, sau khi tại cuộc họp trong tuần qua, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất và dự báo giảm giảm lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản qua 3 đợt trong năm 2024. Các thị trường thậm chí dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 150 điểm cơ bản trong năm tới.
Phát biểu với báo chí, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ kết thúc với lý do lạm phát giảm tốc nhanh hơn dự kiến. Ông cũng lưu ý, các cuộc thảo luận giảm lãi suất có thể sẽ tiến hành trong thời gian tới.
Lập trường ôn hòa của Fed khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.
Trong một diễn khác, hôm 14-12, cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều đẩy lùi kỳ vọng sớm giảm lãi suất và tái khẳng định trọng tâm chống lạm phát. Thông điệp này đã đẩy tăng giá đồng euro và đồng bảng.
“Chỉ số DXY chịu áp lực trước triển vọng cắt giảm lãi suất từ Fed vào năm tới. Các thị trường hiện đang định giá 75% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Doanh số bán lẻ của Mỹ mạnh hơn dự kiến và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm cũng không làm thay đổi kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, cả ECB và BoE đều giữ nguyên suất chính sách nhưng cam kết vẫn giữ lãi suất ở mức cao tron năm giải quyết lạm phát”, Jigar Trivedi, nhà tích nghiên cứu cấp cao của Reliance Securities, nói.
Đồng yen của Nhật Bản là một trong những tiền tệ hưởng lợi khi đô la suy yếu. Đồng yen đang hướng đến tháng tăng giá tốt nhất trong năm nay, phản ánh kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ngay khi Fed phát tín hiệu giảm lãi suất.
Đồng yên đã tăng 7% so với đô la kể từ giữa tháng 11, giao dịch ở mức 141,59 yen đổi 1 đô la, mạnh nhất kể từ tháng 7. Diễn biến này giúp giảm bớt áp lực chi phí cho hàng hóa nhập khẩu, vốn khiến chi phí sinh hoạt của người dân Nhật Bản tăng cao trong năm nay.
Triển vọng về một môi trường lãi suất ôn hòa của Mỹ đã kích hoạt sự phục hồi của các tài sản rủi ro, khiến đồng đô la chịu áp lực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết khẩu vị tài sản rủi ro có thể không kéo dài vì nền kinh tế Mỹ đang chậm lại trong khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu.
“Có khả năng đồng đô la Mỹ sẽ yếu hơn nữa, nhưng tôi nghĩ, mối lo ngại là nếu Fed nới lỏng tiền tệ quá nhanh, chúng ta chứng kiến lạm phát quay trở lại. Đó là một kịch bản mà chúng ta đã thấy trước đây”, nhà chiến lược thị trường Fiona Cincotta của City Index, nói
Đồng đô la yếu hơn vào năm 2024 là quan điểm đa số của các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát trên khắp nhóm các nước công nghiệp chung các ích kinh tế, G10 và các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Fidelity International, JPMorgan Chase và HSBC, cho rằng, đô la sẽ tăng giá vào năm tới nếu khi Mỹ tăng trưởng vượt trội các nền kinh tế khác.
“Điều đặc biệt là mọi người đều cho rằng đồng đô la Mỹ sẽ là thua cuộc vào năm 2024. Có một số kịch bản chỉ ra khả năng tăng giá của đô la, nhưng đồng bạc xanh chỉ giảm giá rõ ràng trong năm tới nếu nền kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm”, Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của HSBC, nói.
Một số ngân hàng ở Phố Wall bao gồm Morgan Stanley dự đoán rằng chỉ số DXY sẽ lên 111 điểm vào mùa xuân tới từ khoảng 102 hiện nay. Các nhà chiến lược của JPMorgan cho rằng, chỉ số này sẽ tăng 3% trong nửa đầu năm 2024.
.Theo Reuters, Financial Times, Bloomberg