Lão nông đam mê sáng tạo
Rặt nông dân, chỉ học hết lớp 9, không qua trường lớp cơ khí nào nhưng ông Võ Văn Lượm (SN 1962, ngụ ấp 3, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) có nhiều sáng tạo kỹ thuật nông nghiệp, giúp ích cho mình và nhiều người dân trong vùng.
Cha mẹ cho mấy hécta đất, ông Lượm cần cù cày cấy và mua thêm 4ha. Ban đầu, ông trồng tràm, ít tốn công chăm sóc nên sức người có thể đảm đương. Năm 2005, nhận thấy nhu cầu thị trường về cây tràm ngày càng ít, ông mạnh dạn chuyển hết diện tích sang trồng lúa.
Nhà ít lao động nhưng phải làm lúa diện tích lớn, thuê nhân công thì không còn lời bao nhiêu. “Bởi vậy, tôi mới nghiên cứu sáng tạo các loại máy để phục vụ sản xuất, đỡ tốn công và chi phí” - ông Lượm bộc bạch.
Ông Lượm có niềm đam mê với máy móc từ nhỏ nhưng do kinh tế gia đình eo hẹp nên không thể học cao hơn. Do đó, lúc mới bắt tay làm, ông gặp không ít khó khăn. Ông Lượm chia sẻ: “Thấy dễ vậy nhưng khi làm mới phát sinh vấn đề. Nhiều vật tư mua về, mài, cắt xong lại đem bỏ, máy làm xong rồi không hoạt động được”.
Nhưng cái khó không làm ông Lượm nản lòng. Để khắc phục, ông dành nhiều thời gian đến các xưởng cơ khí học lỏm; thấy ở đâu có mô hình, máy móc nào hay, ông đều đến tham quan, học hỏi.
Theo thời gian, những chiếc máy nhỏ không tên dần xuất hiện. Nhưng chỉ đến khi máy phun thuốc ra đời thì ông Lượm mới được nhiều người biết đến. Ngày trước, nông dân thường quảy bình từ 8-16 lít để phun thuốc cho cây, bơm thủ công nên rất mỏi tay. Người có vài hécta đất phải tốn mấy chục bình, phun xong bị lở vai là chuyện không hiếm. Đó là chưa kể phải pha thuốc thường xuyên, nguy cơ người phun bị nhiễm độc rất cao. Máy phun thuốc của ông Lượm ra đời khắc phục được các nhược điểm trên, giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí và sức khỏe được bảo đảm. Sau đó, ông còn sáng tạo máy cuốn dây phun đem lại hiệu quả rõ rệt.
Những thành công bước đầu thôi thúc sự sáng tạo của ông Lượm. Nhận thấy nhiều đám ruộng không bằng phẳng, chỗ thì gò, chỗ thì trũng, ông sáng tạo chiếc máy trạc đất có răng cưa. Khi máy hoạt động, mặt ruộng được can đều, các răng cưa nhấn vào đất tạo thành các rãnh thoát nước nhỏ. Nhờ đó, đất ráo, bằng, nông dân không cần phải vác cuốc sửa lại. Hạt giống sau sạ dễ nảy mầm, bám rễ tốt, lúa lên đều, đỡ tốn công giặm.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, ông Lượm còn sáng tạo giải pháp bơm nước bằng máy cày và dây cáp. Trước đây, người dân sử dụng máy bơm nước động cơ thông thường tốn nhiều thời gian lắp ráp, muốn vận chuyển phải dùng sức người, thời gian bơm cũng tương đối lâu. Với sáng tạo này, ông Lượm chỉ cần lái máy cày tới chỗ cần bơm nước, đặt ống và đề máy là xong. Nhờ máy cày công suất lớn nên thời gian bơm rất nhanh, chỉ bằng 1/4 so với máy bơm thông thường.
Ông Lượm ước tính mỗi giờ máy có thể bơm 800m3 nước. Mặt khác, máy cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn, mỗi giờ chỉ tốn 2 lít dầu. Từ khi có chiếc máy này, việc bơm nước ra, vô của ông và người dân trở nên nhanh chóng, có thể chủ động gieo sạ. Ông được UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho những sáng tạo kỹ thuật của mình.
Nhờ đam mê, quyết tâm, không ngại khó, tay nghề của ông Lượm ngày càng nâng cao. Dân trong vùng biết nên mang các loại máy móc nông nghiệp đến nhà ông để sửa chữa. Khi người dân có nhu cầu đặt máy, ông nhận làm với giá phải chăng.
Hiện tại, ngoài sáng tạo, sửa chữa máy, làm ruộng, ông Lượm còn cày đất thuê và nhận làm nhà tiền chế. Kinh tế phát triển, ông có điều kiện xây nhà khang trang, lo cho các con ăn học, có việc làm ổn định. Ngoài ra, ông còn góp công sức, tiền của vào công tác an sinh xã hội địa phương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh - Châu Thanh Tài, ông Võ Văn Lượm là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Các giải pháp của ông xuất phát từ những trăn trở, muốn giúp bản thân, nông dân tiết kiệm chi phí và nhân công trong quá trình sản xuất nông nghiệp./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lao-nong-dam-me-sang-tao-a185321.html