Đô la Mỹ lên mức cao nhất 10 tháng và tác động kinh tế
Hôm nay (29/9), đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh kinh tế Mỹ có thể 'hạ cánh mềm' trong khi tình hình ở Trung Quốc và châu Âu có vẻ u ám.
Đồng euro phần lớn giữ vững vị trí sau khi phục hồi qua đêm, nhưng vẫn không xa mức thấp nhất trong tháng 1 là 1,0482 USD “ăn” một euro. Nếu bị phá vỡ đây sẽ là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Chỉ số đô la (tương quan đồng tiền này so với sáu loại tiền tệ chính khác) hầu như không thay đổi vào sáng nay trên thị trường châu Á, hướng tới tuần tăng thứ 11 liên tiếp, sau khi giảm xuống mức 106,020 chỉ sau một đêm.
Đồng đô la tăng giá nhờ kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn các nền kinh tế khác trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuần trước cảnh báo rằng họ có thể tăng lãi suất hơn nữa và có khả năng giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn hỗ trợ sự tăng giá của đồng đô la, đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm chỉ sau một đêm.
Sự phục hồi của đồng đô la Mỹ diễn ra sau nhiều tháng biến động, do người ta lo ngại rằng đồng đô la có thể mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Suy đoán về khả năng phi đô la hóa trong thương mại toàn cầu đã tăng trở lại vào tháng trước sau khi Trung Quốc dẫn đầu việc mở rộng nhóm các quốc gia BRICS để bao gồm các nhà sản xuất dầu lớn, như Ảrập Xêút.
James Athey, giám đốc đầu tư tại đơn vị quản lý tài sản Abrdn, nói với CNN: “Tin đồn về sự sụp đổ của đồng đô la Mỹ tiếp tục bị phóng đại quá mức”.
Được hỗ trợ bởi hàng loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, chỉ số đô la Mỹ đang ở mức cao, thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Lãi suất cao hơn có xu hướng nâng cao giá trị đồng tiền của một quốc gia bằng cách thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn, vì các nhà đầu tư dự đoán sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn.
Trong khi đó, mây đen tập trung trên nền kinh tế của Trung Quốc và châu Âu. Athey nhận định: “Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội, trong khi các vấn đề ở Trung Quốc và châu Âu nói riêng dường như đang rơi vào tình trạng suy thoái hơn nhiều”.
Gần đây, đồng yên của Nhật Bản giảm mạnh khiến nhiều chuyên gia tài chính đồn đoán giới chức nước này có thể ra tay can thiệp tỷ giá.
Hạ cánh mềm
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang gần mức thấp nhất trong 50 năm. Việc tuyển dụng trong tháng 8 vẫn ổn định sau khi ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 32 liên tiếp. Và tiền lương, khi được điều chỉnh theo lạm phát, đang tăng lên.
Nhiều nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của họ cao hơn trước những tin tốt. Cái gọi là “hạ cánh mềm” - tức là khi ngân hàng trung ương thành công trong việc giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái - giờ đây ngày càng có nhiều khả năng xảy ra.
Trong khi đó, cơ quan thống kê chính thức của châu Âu đã giảm ước tính tăng trưởng GDP của 20 quốc gia dùng chung đồng euro từ 0,3% xuống 0,1% trong quý hai năm nay. Đồng euro yếu hơn có thể sẽ đẩy giá nhập khẩu lên cao, thúc đẩy lạm phát.
Thêm vào áp lực tăng giá là giá dầu thô đã tăng trong những tuần gần đây khi Ảrập Xêút và Nga gia hạn hạn chế nguồn cung. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt làn sóng thách thức lớn: giá tiêu dùng giảm, khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc và xuất khẩu đi xuống.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản thế chấp và cho vay đối với các ngân hàng trong những tháng gần đây để giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Alex Cohen, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Bank of America Global Research, nói với CNN: “Sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc không chỉ đè nặng lên đồng nhân dân tệ mà còn lên các loại tiền tệ quan trọng khác trong khu vực cũng như các đối tác thương mại lớn, bao gồm cả đồng euro”.