Đỗ ngành Y khoa bằng xét học bạ, điểm tốt nghiệp Sinh lại dưới 5 gây lo ngại

Có học sinh điểm thi tốt nghiệp môn Sinh học không quá 5 điểm nhưng lại trúng tuyển ngành Y khoa của một số trường tư thục.

Cô giáo Lan Anh - giáo viên một trường trung học phổ thông một tỉnh phía Nam hồ hởi chia sẻ với người viết, 100% học trò lớp cô chủ nhiệm năm nay đã đỗ vào các trường đại học trên cả nước.

Sau niềm vui, xen lẫn cả niềm tự hào, cô Lan Anh cũng băn khoăn, trăn trở khi có học sinh của cô điểm thi tốt nghiệp môn Sinh học không quá 5 điểm nhưng lại trúng tuyển ngành y khoa của một số trường tư thục. Học sinh này đã trúng tuyển sớm bằng hình thức xét học bạ.

 Điểm thi tốt nghiệp của một học sinh đã đỗ ngành Y khoa bằng phương thức xét tuyển học bạ.

Điểm thi tốt nghiệp của một học sinh đã đỗ ngành Y khoa bằng phương thức xét tuyển học bạ.

Học sinh tên H. chia sẻ với giáo viên, em đã đỗ vào ngành Y khoa (theo phương thức xét tuyển sớm năm 2024-2025) của một trường đại học tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điểm xét tuyển học bạ của em là 8.6 với thành tích 3 năm là học sinh giỏi (lớp 10, lớp 11 và lớp 12).

Trong khi đó, điểm thi tốt nghiệp của 3 môn xét tuyển đại học của em theo tổ hợp B00 là 19.6. Cụ thể: Toán 7.6; Hóa 7.25; Sinh 4.75.

Cô giáo Lan Anh chia sẻ thêm: “Xét điểm học bạ thì em đã đỗ vào ngành Y khoa của trường. Thế nhưng, có 2 điều làm tôi băn khoăn. Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) từ điểm thi tốt nghiệp của ngành Y khoa là 22.5. Điểm sàn ngành Y khoa trường này là hơn 22.5 điểm. Nếu xét bằng điểm thi tốt nghiệp thì em chưa đủ điểm sàn của Bộ và của trường để nộp hồ sơ xét tuyển.

Thứ hai, môn Sinh là một môn học chủ đạo của ngành y nhưng điểm thi của em lại dưới cả điểm trung bình. Tuyển vào ngành y để trở thành bác sĩ sau này cứu người nhưng chất lượng tuyển sinh lại thấp đến như vậy thì thật sự đáng lo”.

 Tin nhắn của nhà trường gửi thí sinh. Ảnh: NVCC

Tin nhắn của nhà trường gửi thí sinh. Ảnh: NVCC

Nói rồi, cô Lan Anh giải thích thêm, là giáo viên dạy môn Sinh, cô thấy để đạt được 7 điểm môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua là không khó. Nhiều học sinh của cô không chọn môn Sinh để xét tuyển đại học nên không đi học thêm môn này nhưng điểm thi tốt nghiệp của nhiều em vẫn đạt mức 6.5 và 7 điểm.

Trở lại trường hợp học sinh H. chọn học ngành Y khoa, em cũng đã xác định ngay từ đầu và bỏ khá nhiều thời gian ôn luyện. Thế nhưng, điểm thi một môn quan trọng của ngành lại chỉ đạt điểm dưới 5.

Một số trường đại học tư thục đã công bố phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ nhận hồ sơ từ 8.3 điểm. Đồng thời, thí sinh xét tuyển sớm theo các phương thức trên cần có học lực lớp 12 phải đạt từ loại giỏi.

Do những yêu cầu đưa ra như vậy nên học sinh H. đã đủ điều kiện đỗ vào trường. Trong thực tế, cũng sẽ có không ít những trường hợp như H., xét học bạ đủ điều kiện trúng tuyển nhưng điểm thi tốt nghiệp lại không đủ mức điểm sàn đưa ra.

Điều mà cô Lan Anh và một số đồng nghiệp băn khoăn, trăn trở nhất là cơ sở giáo dục đại học tuyển như vậy liệu có đảm bảo yêu cầu đầu vào cho đào tạo ngành này? Vì nếu là bác sĩ mà không thật sự giỏi sẽ vô cùng nguy hiểm bởi nó liên quan đến tính mạng con người.

Trước những băn khoăn, lo ngại về sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp, với nhóm ngành sức khỏe, có cần thêm những tiêu chí phụ khi các trường xét học bạ để tuyển sinh.

Người viết kiến nghị, đối với nhóm ngành sức khỏe, nếu trường xét học bạ cần thêm tiêu chí phụ là điểm thi tốt nghiệp tổ hợp môn xét tuyển vào ngành phải đạt điểm sàn của Bộ và điểm môn Sinh học phải đạt ít nhất từ điểm 7 trở lên. Điều này sẽ tránh được việc tuyển sinh "vơ bèo vạt tép" và để điểm học bạ không lạm phát.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/do-nganh-y-khoa-bang-xet-hoc-ba-diem-tot-nghiep-sinh-lai-duoi-5-gay-lo-ngai-post244340.gd