Làm gì để không còn tình trạng bạo hành như ở 'Mái ấm Hoa Hồng'?

Vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) không chỉ là vấn đề bạo lực mà còn liên quan đến việc lợi dụng lòng tốt của cộng đồng.

Thời gian gần đây, vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) đã gây chấn động dư luận, phơi bày một góc khuất đau lòng trong xã hội. Những hình ảnh, đoạn video ghi lại hành vi tàn nhẫn của các bảo mẫu đối với những đứa trẻ vô tội đã khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.

Người đứng sau Mái ấm Hoa Hồng, tự xưng là “mẹ Hương” từng xuất hiện trong chương trình truyền cảm hứng của Miss Grand Việt Nam 2022 và lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Theo những gì mà người phụ nữ này chia sẻ, các hoạt động thiện nguyện nuôi trẻ nhỏ diễn ra trong suốt 30 năm qua điều là tiền bà tự bỏ ra và chưa phải đi xin hay kêu gọi tài trợ từ ai bao giờ, nhưng sau dịch khó khăn quá mới đăng đàn kêu gọi.

Thế nhưng khi sự việc được bóc trần, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và phẫn nộ khi biết được hành vi của những người bảo mẫu nơi đây đối với các em nhỏ. Họ đã biến những đứa trẻ vô tội thành đối tượng để thỏa mãn sự tàn bạo của mình. Sự vô cảm, lạnh lùng của họ đã khiến cho tình mẫu tử trở thành một khái niệm xa vời, biến những mái ấm tình thương thành địa ngục trần gian. Hành vi đó không chỉ là một tội ác mà còn là sự phản bội đối với toàn xã hội, gây ra những tổn thương sâu sắc cho không chỉ các em nhỏ mà còn cả niềm tin của mọi người vào sự nhân hậu.

Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (Ảnh: CTV)

Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (Ảnh: CTV)

Sự thiếu thốn tình cảm, sự bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần đã để lại những vết sẹo sâu sắc trong tâm hồn non nớt của các em. Hình ảnh những đứa trẻ co ro, sợ hãi, mang trên mình những vết thương không chỉ là vết sẹo trên da thịt mà còn là những vết thương lòng khó lành. Những cơn ác mộng tuổi thơ này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng, khiến các em phải đối mặt với những ám ảnh, lo âu kéo dài. Nhiều em nhỏ có thể mắc phải các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí là rối loạn nhân cách, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển bình thường của một con người.

Trong cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đã được cấp phép hoạt động nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định, đặc biệt là việc số lượng 86 cháu là vượt công suất được cấp phép (cấp phép chỉ được 35 cháu). 86 cháu này đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh và chính quyền quận 12 đã đưa vào 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm sóc, bảo đảm quyền lợi của trẻ em, còn có 2 cháu đã được gia đình đón về.

Việc một cơ sở như Mái ấm Hoa Hồng có thể hoạt động vượt quá quy mô cho phép trong một thời gian dài cho thấy rõ sự thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước. Chính vì quản lý lỏng lẻo, không đảm bảo giám sát toàn diện như vậy đã khiến cho cộng đồng mạng đặt ra câu hỏi liệu còn bao nhiêu cơ sở đội lốt như Mái ấm Hoa Hồng tồn tại phía ngoài kia và sẽ lại còn bao nhiêu em nhỏ bị những người gọi là bảo mẫu chuyên phụ trách chăm sóc hành hạ nữa?

Theo quy định của nhà nước về Luật trẻ em và những luật liên quan khác, các mái ấm và cơ sở tự nguyện được nhà nước khuyến khích thành lập. Tuy nhiên, quy trình cấp phép hoạt động cho các cơ sở bảo trợ xã hội vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu sự minh bạch và chặt chẽ. Việc kiểm tra, giám sát diễn ra một cách hình thức, không thường xuyên và thiếu tính đột xuất, khiến cho các cơ sở dễ dàng che giấu những sai phạm. Chính những sơ hở này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây hại cho trẻ em, biến những nơi lẽ ra là mái ấm tình thương trở thành địa ngục trần gian.

Vụ việc đau lòng tại Mái ấm Hoa Hồng là hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em. Để không còn những "Mái ấm Hoa Hồng" thứ hai, mỗi chúng ta cần chủ động hơn trong việc tham gia bảo vệ trẻ em. Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên quan tâm đến những hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội trong cộng đồng. Tạo thành một mạng lưới bảo vệ trẻ em, kịp thời phát hiện và báo cáo những dấu hiệu bất thường, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho các em.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải tăng cường thanh tra, đột xuất các cơ sở bảo trợ xã hội. Cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động hoặc chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ phải bị đình chỉ hoạt động ngay lập tức.

Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ vào giám sát quá trình chăm sóc trẻ em là vô cùng cần thiết. Song song đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ trẻ em. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 110/2024/NĐ-CP, là yếu tố then chốt để đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Cuối cùng, để bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả, cần phải có những chế tài xử lý nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi bạo hành trẻ em. Các đối tượng này phải đối mặt với những hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật, bao gồm cả hình phạt tù và các hình phạt bổ sung khác.

Ngoài ra, không chỉ các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi bạo hành mà các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bao che hoặc thiếu giám sát, quản lý cho hành vi này cũng cần phải bị xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện cho các nạn nhân bị bạo hành. Việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và nâng cao ý thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội an toàn và lành mạnh cho trẻ em.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-khong-con-tinh-trang-bao-hanh-nhu-o-mai-am-hoa-hong-344330.html