Độ nhiễu - Sai lầm trong phán đoán

Danniel Kahneman là một tác giả có rất nhiều tham vọng và cống hiến trong bộ môn khoa học hành vi. Nhiều ấn phẩm của ông thuộc top sách bán chạy. Mới đây ông cùng các cộng sự của mình vừa xuất bản cuốn 'Độ nhiễu - sai lầm trong phán đoán', một lần nữa lý giải: những nguy cơ căn bản nhưng luôn bị đánh giá thấp trong khả năng phán đoán của con người. Nếu bạn thuộc tuýp người luôn coi trọng cả sự ngẫu nhiên và muốn tìm hiểu định kiến trong phán đoán với cả ưu và nhược, thì đây là cuốn sách rất phù hợp.

Trong khoa học tâm lý hành vi, phán đoán luôn là một việc rất ưa thích của tâm trí con người. Phán đoán có thể đúng hoặc sai. Và chính nhóm tác giả đã kết luận: ở đâu có phán đoán thì ở đó có độ nhiễu. Nếu độ chệch thường được con người để ý và tìm ra nhanh hơn - thì độ nhiễu thường ít để ý hơn. Cuốn sách ra đời để cân bằng cán cân thiên lệch đó.

Bằng cách nhìn phổ quát, với lượng dữ liệu phong phú trải dài ở các lĩnh vực như: y khoa, luật, dự báo kinh tế, khoa học pháp y, bảo vệ trẻ em, chiến lược và cả lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, nhóm tác giả gồm: Danniel Kahneman, Olivier Sibony và Cass R. Sunstein đã chỉ ra độ nhiễu hầu như bao phủ ở tất cả. Ví dụ, y khoa là lĩnh vực có độ nhiễu cao. Đứng trước một bệnh nhân, các bác sĩ khác nhau đưa ra chẩn đoán khác nhau về việc người đó có bị ung thư da, bệnh tim, viêm phổi và hàng loạt bệnh khác hay không. Và ngay cả đọc kết quả X quang cũng xuất hiện độ nhiễu.

Sách được kết cấu làm 6 phần. Trong những phần đầu tiên, nhóm tác giả định vị tìm ra biểu hiện khác nhau giữa độ chệch và độ nhiễu qua khảo sát từ việc kết án tội phạm và bảo hiểm. Từ đó tham vọng đo lường độ chính xác và sai lầm khi phán đoán. Ở những phần giữa của cuốn sách, tác giả cố công đi tìm hiểu về cái gọi là lý do khiến người ta mù tịt về độ nhiễu cũng như những sự kiện và phán đoán mà trước đây con người không thể dự đoán. Nếu muốn tìm hiểu ứng dụng tâm lý học hành vi để giảm nhiễu ngay tức khắc thì bạn đọc nên bỏ qua các phần đầu để đến với phần 5. Đó gọi là “tinh chỉnh quyết định” thông qua một quy trình đánh giá trung gian. Phần 6 kết luận với chủ đề gọi là độ nhiễu tối ưu - nỗ lực giảm nhiễu nghiêm túc nhằm giảm bất công trong tổ chức và giảm tổn thất trong nhiều lĩnh vực.

Ở góc độ sâu hơn, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng: độ nhiễu là độ phân tán của những phát súng nhắm vào hồng tâm. Tư duy nhân quả khiến con người ít thấy độ nhiễu, song nếu dùng tư duy thống kê, nó hiện ra sờ sờ.

Là người ưa thực tế và mong muốn áp dụng ngay trong cuộc sống, tôi đã không ngần ngại bước đến phần 5 mà theo như nhóm tác giả đó gọi là những cách căn bản để tinh chỉnh quyết định. Đúng như bản thân mong đợi, họ đã gợi ý rất rõ: việc phán đoán sẽ đỡ độ nhiễu nếu người phán đoán được đào tạo bài bản, thông minh hơn và có phong cách nhận thức đúng đắn. Phong cách ấy thường thể hiện ở con người luôn khiêm tốn ý thức phán đoán của mình là một quá trình đang hoàn thiện và luôn khao khát hiệu chỉnh. Tư duy tích cực cởi mở là một kỹ năng có thể bồi đắp được. Như vậy, thay vì chọn người thông minh trong những trường hợp cần lời khuyên thì khuyến nghị cần chọn người cởi mở và thận trọng nhất sẽ giảm độ nhiễu trong phán đoán.

Giảm nhiễu là một thách thức không thể giải quyết bằng cách sửa lỗi công nghệ đơn giản. Nó đòi hỏi suy nghĩ thấu đáo về kết quả đánh giá dự kiến của những người đánh giá.

Trong lĩnh vực phỏng vấn tuyển dụng nhân sự, độ nhiễu chính là những thiên kiến tâm lý. Theo nhóm tác giả, cách giải trừ nó đừng bao giờ duy trì một ảo tưởng dai dẳng vào phương pháp phỏng vấn trực tiếp thân thiện. Thay vào đó là cơ cấu hóa các cuộc phỏng vấn và rộng hơn là quy trình tuyển chọn. Hãy bắt đầu xác định rõ ràng và cụ thể những điều cần tìm ở ứng viên và đảm bảo rằng ta đánh giá các ứng viên độc lập theo từng khía cạnh này.

Phần cuối sách, nhóm tác giả cho rằng: trong một vài bối cảnh, độ biến thiên chẳng phải là vấn đề gì đáng ngại, thậm chí còn được đón nhận. Cần có những ý kiến phong phú để tạo ra các ý tưởng và phương án. Cần có những tư duy đối lập để dẫn đến phát sinh. Song điều bất ngờ thôi thúc sự ra đời của cuốn sách chính là tầm vóc đáng kể của độ nhiễu hệ thống và mức độ thiệt hại mà nó gây ra. Cả hai đều vượt xa dự kiến. Tóm lại, có thể chắc chắn rằng, các phán đoán khác nhau mà không có lý do chính đáng thì ắt hẳn có sai lầm.

Kết luận lại, sách đưa ra một số cách hiệu quả để giảm nhiễu như: định vị lại mục tiêu của phán đoán, phán đoán không nên là việc thể hiện cá nhân; thứ hai cần phải có tư duy thống kê và góc nhìn bên ngoài; cần chia nhỏ vấn đề phán đoán thành nhiều nhiệm vụ độc lập và thu thập phán đoán độc lập từ nhiều người sau đó tổng hợp lại. Và nhất thiết là bạn đừng quá vội tin vào trực giác nóng vội.

Đúng là trở thành một người thông minh hơn và tư duy tích cực cởi mở và thận trọng hơn sẽ giảm nhiều khá nhiều độ nhiễu; hay ít ra là mỗi phán đoán và hành vi của chúng ta đã và đang nỗ lực góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và công bằng hơn. Thông điệp tích cực của tác giả giống như một ốc đảo xanh cho người bộ hành sa mạc sau cả quá trình tìm kiếm tri thức từ sách. Sách có vẻ hơi khó hiểu với ai chưa yêu thích bộ môn tâm lý học, nhưng thực sự là món quà quý cho những người muốn trở nên thông thái hơn và thận trọng hơn!.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/do-nhieu-nbsp-sai-lam-trong-phan-doan-31398.htm