Đo nồng độ cồn từ sáng sớm

Uống bia rượu thì không lái xe, điều này rồi cũng sẽ thành thói quen như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thôi.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Cách đây vài ba tháng, cảnh sát giao thông thường đo nồng độ cồn đối với người lái ô tô và xe máy vào buổi tối, thậm chí ở nhiều nơi, việc này diễn ra sau 20 giờ. Ấy là lúc, nhiều quán nhậu tan cuộc, các lái xe bắt đầu… lên xe nổ máy.

Thế nhưng, những ngày gần đây, việc đo nồng độ cồn diễn ra ngay từ sáng sớm. Điều này cũng có nghĩa, nếu tối hôm trước mà uống “quá chén” thì sáng hôm sau khi đo nồng độ cồn, lái xe vẫn bị phạt như thường. Đây là “điểm mờ” mà nhiều người hay mắc phải.

Tối hôm trước, có thể cẩn thận đi taxi hoặc Grab đến quán nhậu rồi về cũng bằng Grab hoặc taxi và luôn mặc định là sau một đêm thì nồng độ cồn trong hơi thở sẽ không còn, lái xe trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo nên “không vấn đề gì”. Cho rằng, cảnh sát giao thông chỉ đo nồng độ cồn ngay sau khi tan cuộc nhậu là một sai lầm mà nhiều người đang trả giá đắt.

Ở TPHCM những ngày gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông làm rất gắt việc đo nồng độ cồn. Nhiều tổ cảnh sát đứng trước các quán nhậu đông khách và đo nồng độ cồn ngay khi khách nhậu vừa lên xe.

Những người hay “né” đo nồng độ cồn ở các trục đường chính bằng việc luồn lách trong các con hẻm thì nay vẫn bị phạt như thường vì cảnh sát giao thông đã lập các chốt ngay ở đầu các con hẻm!

Chính vì sự quyết liệt, không khoan nhượng này mà nhiều chủ quán và những người có thói quen tụ bạ ăn nhậu sau giờ làm việc phải “kêu trời” trong những ngày qua.

Đã có nhiều luồng ý kiến chung quanh câu chuyện làm gắt này của cảnh sát giao thông. Có người cho rằng làm vậy chỉ gây thiệt hại cho hãng sản xuất bia rượu, cho các quán kinh doanh ăn nhậu chứ tai nạn giao thông không vì thế mà giảm.

Thống kê của cơ quan chức năng trước đây cho biết, có đến 70% số vụ tai nạn giao thông là do sử dụng bia rượu. Rồi đây, sẽ có những số liệu cụ thể để so sánh là số tai nạn giao thông sau khi phát động “chiến dịch đo nồng độ cồn” chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm nhưng có một điều chắc chắn là, sẽ không xảy ra tình trạng nhậu nhẹt bừa phứa, say xỉn quắc cần câu mà vẫn chạy xe như trước đây nữa.

Hãng sản xuất bia rượu, các quán nhậu có giảm doanh thu, thiệt hại về kinh tế không? Chắc chắn là có. Nhưng nên hiểu rằng, mạng người vẫn quý hơn mọi doanh thu tiền bạc! Cấm uống rượu bia khi lái xe chứ không ai cấm uống rượu bia cả. Cần phân biệt rõ điều này. Nếu như anh muốn bù khú vui vẻ sau giờ làm việc thì cứ vui.

Nhưng nhậu xong thì phải có người không uống bia rượu đưa về hoặc các dịch vụ xe đưa đón. Có người vì tiếc vài trăm ngàn đồng đi xe dịch vụ nhưng khi phạt hàng chục triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn thì vẫn phải “vui vẻ nộp phạt”. Vì vậy, cần tập một thói quen là nên đi xe dịch vụ sau khi uống bia rượu để vừa được an toàn cho bản thân lại vừa khỏi bị phạt tiền.

Cũng như quy định về đội mũ bảo hiểm, ban đầu nhiều người cho rằng quá bất tiện nhưng sau hơn mười năm đội mũ bắt buộc khi đi xe máy thì mọi việc đã đi vào quy củ.

Ngày nay, đội mũ bảo hiểm khi ra đường đã thành thói quen, đến mức nếu trên đầu không có mũ bảo hiểm mà đi xe máy sẽ có cảm giác bất an và thấy “thiêu thiếu” một điều gì.

Uống bia rượu thì không lái xe, điều này rồi cũng sẽ thành thói quen như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thôi.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/do-nong-do-con-tu-sang-som-post668877.html