Đồ nướng vỉa hè: Tiềm ẩn nguy hại
Thức ăn đường phố ngày càng trở thành một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Và các quán nướng vỉa hè từ lâu đã trở thành địa điểm tụ họp lý tưởng của nhiều người, nhất là một bộ phận giới trẻ vào mỗi tối. Tuy nhiên, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quá trình sơ chế qua loa, khâu vệ sinh dụng cụ tạm bợ… là những mối nguy hại tiềm ẩn từ đồ nướng vỉa hè.
Không an toàn nhưng vẫn... hút khách
Cứ khoảng 19h hằng ngày, các quán nướng trên những tuyến phố của Hà Nội như Ngọc Lâm (quận Long Biên), Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình)… lại đông nghịt thực khách. Tại đây, phục vụ đủ các món nướng từ bình dân như: Nầm nướng, chân gà nướng, lòng, tràng, dạ dày, cổ hũ... cho đến cao cấp hơn có các loại hải sản như: Tôm, cua, cá, mực... Mùi vị thơm lừng của những đĩa nội tạng lợn, những đĩa hải sản sau khi được các chủ quán “phù phép” bằng cách tẩm ướp các phụ gia như gia vị, phẩm màu càng thêm hấp dẫn. Mặc dù, những quán ăn này được bố trí khá tạm bợ, chế biến ngay trên vỉa hè bụi bặm, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn tỏ ra thích thú và không mấy người quan tâm đến thực phẩm có an toàn hay không.
Khi được hỏi về sự an toàn của những món ăn này, anh Đặng Minh Quang, chủ một cửa hàng sim thẻ trên đường Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) thừa nhận: "Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy công đoạn chế biến, vệ sinh thực phẩm và dụng cụ chế biến, bát đĩa qua loa, không bảo đảm. Thậm chí, nguồn cung cấp nội tạng của các quán hàng từ đâu, đối với những thực khách như tôi đúng là một ẩn số. Dù vậy, nếu cứ băn khoăn xem những thực phẩm này có bảo đảm an toàn không thì chắc sẽ chẳng ai dám ăn ở các quán ăn vỉa hè...". Còn anh Tạ Quang Huân, một tài xế lái xe buýt lại cho rằng, chủ các quán nướng vỉa hè họ tẩm ướp, chế biến thực phẩm rất thơm ngon, giá cả lại bình dân nên đây là địa điểm tụ tập bạn bè lý tưởng vào mỗi tối cuối tuần…
Từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa bàn trên cả nước, cơ quan chức năng đã bắt giữ không ít vụ vận chuyển nội tạng động vật không có giấy tờ nguồn gốc, thậm chí bốc mùi hôi thối mang đi tiêu thụ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo: "Nội tạng động vật nói chung cũng như các loại thịt, cá chúng ta ăn hằng ngày cần có chế độ bảo quản đúng cách để an toàn khi ăn, đồng thời vẫn giữ được độ tươi ngon, giúp người ăn ngon miệng. Việc vận chuyển các thực phẩm này từ nơi xa cần cấp đông đúng quy trình, tránh gây hư hại, nấm mốc. Khi sử dụng các loại thực phẩm có dấu hiệu bốc mùi hay mốc rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại (như: Salmonella, E.Coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu trùng...) gây ngộ độc thực phẩm, nôn ói, tiêu chảy...".
Còn theo bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nội tạng là nguyên liệu đòi hỏi phải sơ chế, rửa thật sạch, nếu làm qua loa, những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số loại bệnh nguy hiểm như bệnh tả, viêm gan, thương hàn, tiêu chảy… Do vậy, không ai dám chắc các quán đồ nướng vỉa hè có thể bảo đảm đã sơ chế kỹ càng, làm sạch nội tạng được tiêu thụ với số lượng lớn mỗi ngày. Chưa kể, các loại rau củ, nguyên liệu để làm đồ nướng khác cũng đứng trước nhiều nguy cơ như: Không được rửa sạch sẽ, bảo quản không đúng cách, bị nhiễm bụi bẩn, ám khói…
Tăng cường kiểm tra thực phẩm vỉa hè
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã xảy ra 30 vụ ngộ độc thực phẩm làm 798 người nhập viện và 5 người tử vong. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm... Mặt khác, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân không nên chủ quan, sử dụng tràn lan các loại thực phẩm vỉa hè, đồ ăn đường phố.
Còn theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần công khai và xử phạt những cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi bị kiểm tra để người dân biết và lựa chọn. “Nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân, tránh mắc các bệnh về đường ruột, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng chức năng chuyên ngành ở các địa phương nâng cao trách nhiệm và tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân nên thận trọng với thức ăn đường phố, nhất là vào mùa nắng nóng”, ông Trần Văn Chung nói.
Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của thức ăn đường phố nhưng nhiều người vẫn thờ ơ trước sức khỏe của chính mình. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm và hơn hết, quy hoạch các khu ăn uống cho người bán hàng và tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/938738/do-nuong-via-he-tiem-an-nguy-hai