Đổ phượng, đổ cổng trường, rồi sẽ thêm gì nữa?
Năm học mới vừa bắt đầu, mong rằng nỗi đau 'rút kinh nghiệm' bằng tính mạng của những đứa trẻ ngây thơ vô tội sẽ không bao giờ lặp lại...
Sau những tháng nghỉ hè kéo dài vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các em học sinh đều có chung tâm trạng háo hức, vui mừng trở lại ngôi trường thân quen để được gặp thầy cô, bạn bè.
Nhưng, ngày học đầu tiên của năm học mới 2020 - 2021, ở phân hiệu Bản Phung, Trường tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã trở thành ngày đại tang khi cánh cổng trường đổ sập, đè chết ba học sinh ở độ tuổi mầm non, tiểu học. Các em đã mãi mãi không thể trở về nhà, chấm dứt những tháng ngày tươi đẹp cắp sách đến trường khi tuổi đời còn quá ngắn ngủi.
Thông tin về vụ tai nạn làm ai nấy đều bàng hoàng, xót thương. Không đau đớn sao được khi suốt trong những ngày đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các em vẫn được bảo vệ an toàn. Vậy mà chỉ ngay ngày đầu cắp sách đến trường, nụ cười hồn nhiên của các em đã vĩnh viễn vụt tắt bởi một vụ tai nạn không đáng có.
Theo lý giải của lãnh đạo xã, ban giám hiệu nhà trường, nguyên nhân tai nạn vì cổng trường được xây dựng từ năm 2016, đêm hôm trước ở khu vực này đã xảy ra mưa lớn khiến mặt đất mềm nhão gây sạt lở. Địa hình của trường nằm trên độ dốc cao, lại thêm 5 - 6 em bé đu lên cánh cổng nên dẫn đến chuyện đau lòng này… Và một ngày sau vụ tai nạn đổ cổng trường khiến ba em học sinh tử vong ở Lào Cai, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Vụ việc đau lòng này gợi nhớ đến vụ cây phượng đổ trong sân trường, đè một học sinh tử vong ở TP HCM xảy ra vào tháng 5/2020. Cũng như vụ tai nạn đổ cổng trường lần này, sau khi sự cố xảy ra, đã có nhiều lý do khách quan được đưa ra và dường như không có lý do nào từ sự chủ quan của con người. Để rồi sẽ không ai phải chịu trách nhiệm chính. Cuối cùng thì chỉ có những cái chết của các em học sinh ngây thơ là để lại nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai trong lòng cha mẹ, người thân.
Tất nhiên, những lý do khách quan như mưa gió, cũ kỹ, lâu đời... đều là những yếu tố góp phần gây ra tai nạn, nhưng không thể không tính đến những yếu tố chủ quan cũng là nguyên nhân gây nên những vụ tai nạn thương tâm này. Như một cánh cổng sắt nặng phải gắn vào trụ đỡ vững chắc, tại sao mới chỉ vài em nhỏ bám đu đã đổ?
Một cây phượng cổ kính, sao lại trồng vào một cái bồn không thật lớn và không có thêm cọc đỡ nào? Và đặc biệt, tại sao công tác rà soát, kiểm tra an toàn học đường không triển khai thường xuyên, nhất là trước năm học mới, thay vì cứ sau mỗi lần xảy ra sự cố mới cuống cuồng chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại?
Năm học mới vừa bắt đầu, mong rằng nỗi đau “rút kinh nghiệm” bằng tính mạng của những đứa trẻ ngây thơ vô tội sẽ không bao giờ lặp lại. Mỗi cá nhân, mỗi cơ quan có trách nhiệm cần có hành động trực tiếp, cụ thể, quyết liệt để đảm bảo an toàn cho con trẻ, sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi gắm con em tới trường, tới lớp.
Bởi nếu không, sau những vụ đổ cây phượng, đổ cổng trường để lại hậu quả đau lòng, sẽ không ai biết được điều gì xảy ra tiếp theo nếu những người có trách nhiệm vẫn thờ ơ, vô cảm và tắc trách.