Đồ sộ và độc đáo Mộc bản triều Nguyễn

Việc Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngày 8/5/2024), đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10 di sản (gồm 3 Di sản Tư liệu thế giới và 7 Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Trong đó, Mộc bản triều Nguyễn có vị trí đặc biệt, là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào ngày 31/7/2009.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Nguồn: LDO.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Nguồn: LDO.

Mộc bản là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành trang sách. Thật khó hình dung sự đồ sộ của Mộc bản triều Nguyễn, với 34.555 tấm mộc bản, “chế bản” của 152 đầu sách với nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ...

Mộc bản triều Nguyễn khắc nhiều tác phẩm quý hiếm như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”... Cùng đó còn có “Ngự chế văn”, “Ngự chế thi” do các vị vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.

Mộc bản triều Nguyễn là công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và mang đậm dấu ấn thời cuộc. Theo các nhà sử học, thành phần của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn bao gồm những tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của các vua nhà Nguyễn và một phần rất quan trọng của tài liệu Mộc bản đã được khắc trước đó, được chuyển từ Văn Miếu Quốc tử Giám (Hà Nội) về Huế dưới thời vua Minh Mạng (làm vua từ năm 1820 - 1841) và Thiệu Trị (làm vua từ năm 1841 - 1847).

Theo Cục Di sản văn hóa, về lịch sử, trong 34.619 tấm Mộc bản, có một bản khắc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, vào khoảng năm 1077. Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ “Nam quốc sơn hà” còn lại cho đến ngày nay.

Về địa lý, có 2 bộ sách, gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý của nước Việt Nam đã thống nhất và ghi chép về Hoàng thành Huế.

Về chính trị - xã hội, có 5 bộ sách, gồm 16 quyển, ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Về quân sự, có 5 bộ sách, gồm 151 quyển.

Về pháp chế, có 12 bộ sách, gồm 500 quyển, ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

Về văn hóa - giáo dục, có 31 bộ sách, gồm 93 quyển, ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn.

Về tư tưởng triết học - tôn giáo, có 13 bộ sách, gồm 22 quyển, ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia. Về văn thơ, có 39 bộ gồm 265 quyển, ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam.

Về ngôn ngữ văn tự, có 14 bộ sách gồm 50 quyển, giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm.

Hiện nay, toàn bộ khối tài liệu vô giá này được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Cùng với Mộc bản triều Nguyễn, Việt Nam còn có Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang (UNESCO công nhận năm 2012); Mộc bản trường học Phúc Giang (làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), UNESCO công nhận năm 2016. Mới đây nhất, năm 2024, Mộc bản chùa Dâu (tỉnh bắc Ninh) được công nhận Bảo vật quốc gia.

Nam Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/do-so-va-doc-dao-moc-ban-trieu-nguyen-10284243.html