Do thám ngầm Nga có thể phát hiện mọi tàu Mỹ
Với những hệ thống do thám ngầm cực tinh vi tại Bắc Băng Dương, Nga có thể phát hiện bất kỳ chiếc tàu nào của Mỹ và phương Tây đi qua.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tiến hành triển khai hệ thống giám sát đại dương tối tân với định danh "Harmony" tại Bắc Băng Dương từ năm 2016.
Được biết, trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều triển khai các mạng lưới giám sát để tóm tàu ngầm của nhau.
Nhưng so với các mạng lưới trước đó của Liên xô, Harmony có các tính năng vượt trội hơn nhiều lần. Hệ thống được cho là có thể phát hiện mọi loại tàu nổi, tàu ngầm và cả máy bay bay thấp lọt vào vùng cảnh giới.
Công nghệ này tương tự với hệ thống hàng rào điện tử MGK-608 Sever, có quy mô nhỏ hơn, được Hải quân Nga vận hành hơn 20 năm qua tại biển Barents.
Với hệ thống bao gồm 60 sonar bị động, nghe âm thanh do tàu thuyền phát ra, từ đó xác định chính xác vị trí và hướng di chuyển.
Mạng lưới cảm biến này nằm dưới đáy biển ở độ sâu tối đa 1000m, hoạt động hoàn toàn thụ động, do đó tàu đối phương rất khó nhận biết là mình bị theo dõi.
Khi phát hiện tàu lạ, các cảm biến sẽ gửi tín hiệu về trạm chỉ huy thông qua cáp quang. Giới chuyên gia khẳng định nguyên lý hoạt động của Harmony tương tự với Sever nhưng có quy mô lớn hơn nhiều.
Sever cũng sẽ được tích hợp vào Harmony, thành một mạng lưới giám sát đại dương thống nhất, có thể phát hiện bất kỳ sự di chuyển nào trên biển, kể cả mục tiêu bay thấp.
Cùng với hệ thống tai mắt dày đặc dưới lòng biển, Nga còn đang sở hữu đội tàu ngầm đặc biệt chuyên nghiên cứu và do thám dưới đại dương.
Hạm đội tàu này thuộc biên chế của Tổng cục Nghiên cứu nước sâu (GUGI), một đơn vị tàu ngầm tách biệt với hải quân, nhận lệnh trực tiếp từ bộ Quốc phòng Nga.
Tổng cục GUGI hiện đang vận hành 7
tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ, cùng một số lượng không xác định thiết bị lặn không người lái (AUV), được thiết kế để lặn sâu. Các tàu này được trang bị các công cụ để lắp đặt nhiều loại thiết bị dưới đáy biển.
Hiện GUGI cũng đang được trang bị 2 tàu ngầm hạt nhân đặc chủng dùng để chuyên chở tàu lặn sâu là BS-64 Podmoskovye và BS-136 Orenburg, có gốc là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa.
Với trang bị này, hiện Nga là nước có số lượng tàu ngầm đặc chủng và tàu lặn sâu đông đảo nhất thế giới.
Mỹ và đồng minh phương Tây từ lâu đã tỏ ra lo ngại về GUGI, cho rằng đơn vị này ngoài chức năng nghiên cứu dân sự, còn có vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự, đặc biệt là do thám.
Tàu ngầm là phương tiện lý tưởng nhất để triển khai mạng lưới giám sát, có thể hoạt động ở vùng nước sâu, bên dưới băng dày. Quan trọng hơn cả, tính bí mật của tàu ngầm cho phép nó triển khai thiết bị ở sát các nước khác, đặc biệt là các quốc gia tiếp giáp Bắc Băng Dương như Mỹ, Canada.
Không chỉ có hệ thống do thám ngầm dày đặc và cực tối tân, Nga cũng sở hữu đội tàu ngầm tấn công cực đáng sợ trong đó có tàu ngầm hạt nhân K-329 Belgorod và đề án 09851 Khabarovsk.
Cùng với đó là dòng ngư lôi hạt nhân Poseidon đang phát triển, đây là loại vũ khí có thể nhấn chìm một phần của thành phố ven biển Mỹ nếu 2 bên xảy ra xung đột.