Đô thị di sản: Tìm tiền cho 'di sản sống'

Có thể tên bài không 'nhã' vì nói đến văn hóa, nhất là di sản lịch sử, tôn giáo... là nói đến những tài sản vô giá, không thể đo bằng tiền bạc. Không dám phủ nhận điều đó nhưng sau 25 năm được vinh danh Di sản thế giới, Hội An đứng trước 3 thực tế: bất động sản của đô thị cổ xuống giá, chủ nhà dời đi và tình trạng túng bấn triền miên kinh phí trùng tu các di tích. Nên, dù 'khiếm nhã' vẫn phải nói chuyện tiền bạc.

Kinh tế di sản hiển nhiên là đề tài rất rộng, phức tạp, cần tiếp cận từ các ngành chuyên môn sâu, vượt tầm hiểu biết của người viết báo phổ thông, nên xin giới hạn bài viết trong trình bày quan điểm về “sự công bằng” khi tiếp cận các “di sản sống” để may ra có thể gợi ý xây dựng những chính sách - công cụ quản lý làm tăng giá trị tài sản của loại di sản này.

“Sống” chẳng đơn giản!

Vì không phải ai cũng sẵn có sự phân biệt di tích (relic), di sản (heritage) và di sản sống (living heritage) nên xin nêu sơ lược các khái niệm. Di tích là các vật thể vật lý (đền, chùa, lăng tẩm...) còn lại của quá khứ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Di sản rộng hơn, gồm cả vật thể (hữu hình như kiến trúc, cảnh quan...) và phi vật thể (nghi lễ, kiến thức...). Di sản sống rộng nữa, bao gồm không chỉ các di tích, các di sản vật thể, phi vật thể mà cả cách sống truyền thống của cư dân đang tiếp tục duy trì tại khu vực di sản. Nó gần với di sản định cư (settlement heritage) nhưng chọn lọc hơn về tiêu chí.

Thế nên nó rắc rối. Theo TS. Gamini Wijesuriya, chuyên gia quản lý di sản người Sri Lanca thì: “Bản thân việc định nghĩa di sản đã là một thách thức, càng khó khăn hơn khi trạng thái/tình huống “sống” được thêm vào”(1). Nêu vấn đề này không phải để cố lôi nhau vào câu chuyện học thuật vốn chẳng thú vị, mà vì nếu không làm rõ từng khái niệm/định nghĩa về di tích, di sản, di sản sống - thì không thể xây dựng được chính sách quản lý đúng với từng loại đối tượng. Và nếu không có chính sách đúng, thất bại là tất yếu.

Chùa Mía ở Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Lao động Thủ đô

Chùa Mía ở Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Lao động Thủ đô

Để hiểu đúng, người ta tranh cãi khá lâu, vẫn theo Gamini Wijesuriya: “Các cuộc tranh luận về di tích sống so với di tích chết (thuật ngữ thống trị trong quá khứ liên quan đến di sản) bắt nguồn từ giai đoạn hình thành diễn ngôn bảo tồn, khi sự nhấn mạnh và quan tâm đã tập trung vào cái tiếp diễn sau đó”(2). Cái “tiếp diễn sau đó” là trạng thái “sống” mà chúng ta đang nói đến. Nếu một thanh gươm cổ chẳng hạn, được coi “đã chết tương đối” trong tủ kính bảo tàng, thì ngôi chùa Mía ở Đường Lâm (Hà Nội) xếp hạng di tích, vẫn “sống” sinh động do hàng ngày có người tới chiêm bái hay cầu xin Đức Phật, những việc người ta không làm với thanh gươm.

Đến năm 2005 có lẽ cuộc tranh luận kết thúc bằng “Công ước UNESCO về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa”. Thuật ngữ “di sản sống” xuất hiện. Nó hàm chứa ý nghĩa rằng các di tích, di sản đó gắn bó mật thiết với “cộng đồng cư dân bản địa”, và người dân bản địa vẫn duy trì “tính liên tục” trong truyền thống, tập quán sinh sống của họ tại vùng được công nhận là di sản.

“Sống liên tục” rắc rối?

Hiểu đại khái là những cộng đồng dân cư ấy không rời bỏ di tích cha ông họ để lại mà tiếp tục sống với nó trong các tập quán cũ. Ví dụ ở thị trấn Szentendre (Hungary) người Hungary, người Slovak vẫn trồng nho, làm loại rượu vang địa phương nổi tiếng; dân thành phố Bukhara (Uzbekistan) làm các sản phẩm thủ công dệt thảm, thêu vàng, gốm sứ chạm khắc gỗ xuất sắc; phố cổ Brugge (Bỉ) dày đặc chương trình văn hóa, lễ hội bia và âm nhạc; các khu chợ sôi động ở thung lũng Oaxaca - Monte Alban (Mexico) với các món ăn truyền thống, hàng dệt may, đồ gốm, chạm khắc gỗ trứ danh; phố cổ Lệ Giang (Trung Quốc) hấp dẫn du khách với nhiều lễ hội nông nghiệp, thương mại của các tộc người…

Du khách chiêm ngưỡng người Naxin nhảy múa ở đô thị cổ Lệ Giang - Trung Quốc.

Du khách chiêm ngưỡng người Naxin nhảy múa ở đô thị cổ Lệ Giang - Trung Quốc.

Tóm lại, tại những địa điểm được UNESCO công nhận “di sản sống” nêu trên, không chỉ các cấu trúc vật chất (kiến trúc, giao thông...) được bảo tồn mà cả các truyền thống sinh kế, văn hóa (hoa mỹ gọi là “hồn”) của mỗi tổ chức định cư vẫn được cộng đồng người bản địa duy trì. Nó khẳng định vai trò quan trọng, không thể thay thế của các tổ chức định cư trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, bởi các lý do sau:

- Là những người mang theo truyền thống, phong tục, ngôn ngữ và nghề thủ công được truyền qua nhiều thế hệ, thiếu họ (ra đi, hay trở thành thiểu số) nhiều di sản phi vật thể sẽ mất.

- Là những người sở hữu kiến thức và kỹ năng độc đáo liên quan đến các di sản: ý nghĩa lịch sử, phương pháp bảo tồn truyền thống và các hoạt động văn hóa.

- Là những người có ý thức về bản sắc và gắn bó nhất với di sản (cũng là tài sản) cha ông để lại. Chúng nuôi dưỡng lòng tự hào, là động lực để họ nỗ lực bảo tồn di sản.

- Là những người được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch tôn trọng các giá trị văn hóa (nghề thủ công, ẩm thực...) của địa phương...(3).

Chợ ẩm thực truyền thống ở Oaxaca -Monte Alban (Mexico). Ảnh: Viator.com

Chợ ẩm thực truyền thống ở Oaxaca -Monte Alban (Mexico). Ảnh: Viator.com

Hiểu đơn giản, không thể thay thế “cộng đồng bản địa” bằng “cộng đồng nhập cư”. Ví dụ: chỉ những người “đẻ trên nước” như dân cư ở vùng Tràng An, Ninh Bình mới giỏi chèo đò chở du khách len lỏi qua các hang động, thung lũng ngập nước; hoặc người Hà Nội, Sài Gòn không thể thay người Hội An nấu món cao lầu hay hô bài chòi. Và để những “hồn cốt/bản sắc” ấy được bảo lưu, không bị đứt gãy qua thời gian thì điều kiện cần là “cộng đồng bản địa” phải có quy mô dân số áp đảo số người nhập cư trong lãnh thổ di sản.

Tiếp cận loại di sản này từ phía nhân khẩu học có thể giải thích tại sao “phố cổ Hà Nội” khó được coi là di sản sống khi so sánh với phố cổ Hội An. Không bàn đến giá trị lịch sử, kiến trúc ở đây, mà vì cộng đồng cư dân bản địa “phố cổ Hà Nội” hiện nay (con cháu những người từng “tạo nên phố cổ”) chỉ còn là thiểu số (khác Hội An). Tất nhiên thiểu số người ấy ở quận Hoàn Kiếm không thể đủ khả năng duy trì liên tục các truyền thống, tập quán sinh sống từ xa xưa của ông cha để tạo sức ảnh hưởng lên toàn bộ không gian khu “36 phố”. Quy mô cuộc đảo lộn nhân khẩu học đã lấy đi cơ hội trở thành “di sản sống” của “phố cổ Hà Nội” còn trước cả các lý do quản lý xây dựng, kiến trúc...

Vùng được bảo tồn của TP. Florence (Ý) - Di sản sông của thế giới năm 1982, có khu vực cấm cấm phát triển bát động sản rộng 505ha, vùng đệm 10.480ha. Ảnh: Italia.it

Vùng được bảo tồn của TP. Florence (Ý) - Di sản sông của thế giới năm 1982, có khu vực cấm cấm phát triển bát động sản rộng 505ha, vùng đệm 10.480ha. Ảnh: Italia.it

“Sống” cần công bằng!

Để tiện trình bày, xin tạm đồng nhất cách gọi “ngôi nhà là di tích có người ở” với “bất động sản nằm trong lõi khu vực di sản”, trên thị trường bất động sản nói chung luôn cao giá hơn so với các loại bất động sản thông thường nằm ngoài vùng di sản.

Có vô số lý do để loại bất động sản này lập giá cao ngất ngưởng. Như: thường nằm ở vị trí trung tâm văn hóa, lịch sử; chủ nhà được hưởng nhiều chính sách ưu đãi; nhà của họ có khả năng sinh kế vượt trội; bản chất độc đáo vì nguồn cung nhà hạn chế; người nổi tiếng thường chọn sống tại các di sản thế giới (tăng giá do địa vị xã hội của người mua); nhà đầu tư (nói chung) tin vào chính sách bảo tồn di sản của chính phủ...(4).

Nghĩa là lý ra các chủ tư nhân bất động sản di sản ở Hội An xứng đáng được hưởng lợi từ tất cả các yếu tố nêu trên, rằng ngôi nhà/tài sản lớn nhất của họ chỉ có thể tăng nhiều hay ít chứ không thể bị xuống giá, rằng vì cuộc sinh kế bền vững do các lợi thế của bất động sản di sản, nên sẽ chẳng ai muốn bỏ nhà mà ra đi...

Hội An trong niềm vui của tuổi trẻ.

Hội An trong niềm vui của tuổi trẻ.

Cho nên tình trạng bất động sản của họ bị xuống giá “giảm 30 - 40% vẫn chẳng ai mua”(5) và “trước đây những ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân hầu hết là của người dân Hội An thì nay chỉ 30% trong số đó của người Hội An, 30% chủ sở hữu là người Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... 40% của người Hội An nhưng đã cho người nơi khác đến thuê”(6) là rất bất thường. Phải chăng các chính sách hiện hành chưa đạt mục đích?

Vâng, các lợi thế của chủ bất động sản là di sản vừa nói mới chỉ “một chiều”, trên thực tế họ phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt, tuân thủ các quy định cấm sửa chữa, phục hồi, làm thay đổi tính chất lịch sử của ngôi nhà. Khắc nghiệt nhất, họ bị “mất quyền phát triển tài sản” (tối quan trọng) cho nên vẫn có thể bị thua thiệt so với các chủ bất động sản không thuộc vùng di sản. Bởi vậy nhiều nước đã sử dụng chính sách toàn diện hơn cho người mất quyền, đó là “Quyền phát triển có thể chuyển nhượng” (Transferable Development Rights - TDR).

Phát triển (tạm hiểu là tạo thêm số lượng, khối lượng, dịch vụ, tiện ích...) được khẳng định là thuộc tính của “di sản sống” (theo Gamini Wijesuriya), không mâu thuẫn với sự phát triển hay quyền phát triển tài sản của con người nói chung. Tức, chủ một ngôi nhà di sản một tầng đương nhiên có quyền “phát triển” lên nhiều tầng để tăng tiện ích hay kinh doanh. Nhưng do bị mất quyền này, anh ta cũng mất cơ hội chắc chắn có lợi nhuận thu về, trong khi lợi số đó cũng chắc chắn, rơi vào một chủ khách sạn khác ở vị trí cận kề di sản mà không chịu sự kiểm soát phát triển. Sự thiếu công bằng đó được tô đậm bằng hình ảnh hàng ngày những du khách hào phóng chi trả cho ăn nghỉ ở khách sạn kia, rồi lũ lượt đi thăm ngôi nhà - di tích đang “bị mất quyền phát triển”.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh tư liệu.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh tư liệu.

Áp dụng TDR góp phần trả lại sự công bằng cho những người bị mất nó. Đại để chính quyền cho phép chủ sở hữu bất động sản trong vùng di sản được bán quyền phát triển của họ (đang bị chính quyền giữ) cho những gia đình hay tổ chức ở các khu vực lân cận được cấp quyền phát triển để xây nhà cao hơn, dày đặc hơn, nhằm cân bằng giữa việc bảo tồn với phát triển kinh tế (7).

Vận hành “thị trường TDR” khá phức tạp (di sản sống vốn thế), chính quyền phải tích hợp TDR vào quy hoạch đô thị để kiểm soát phát triển (vùng hạn chế, vùng khuyến khích), công bố phân vùng được gửi quyền TDR (của bên bán, bị hạn chế) và chỉ định các vùng được nhận quyền TDR (bên mua), thiết lập khung pháp lý, xác định giá/phí chuyển nhượng cho mỗi vị trí của 2 bên tại thời điểm thực hiện giao dịch, đáp ứng yêu cầu công bằng của mỗi bên…

Thí dụ bên khu vực di sản A chỉ 1 tầng không được phép thêm tầng, chuyển quyền TDR cho bên B được phép xây dựng khách sạn 5 tầng. Phí nhượng quyền có thể là 5%/năm dựa trên doanh thu tiềm năng từ dự án khách sạn 5 tầng của B là 1 triệu USD/năm. Vậy A, người gửi quyền TDR được hưởng phí hàng năm là 50.000 USD, A sẽ có động lực đầu tư bảo tồn nhà di sản do được thu phí thông qua việc bán quyền phát triển của mình.

Ranh giới khu lịch sử South of Union Square (New York - Mỹ) được chỉ định hạn chế phát triển. Nguồn: Village Preservation

Ranh giới khu lịch sử South of Union Square (New York - Mỹ) được chỉ định hạn chế phát triển. Nguồn: Village Preservation

Chính sách này được mô tả tuy khác biệt trong cách áp dụng tại các quốc gia và không như “một phép mầu” nhưng đã thành công tại nhiều khu vực cần bảo tồn: New York, Washington, San Francisco (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ), São Paulo (Brazil), Rome, Florence (Ý), Sydney (Úc), Brugge (Bỉ)… Và kèm khuyến nghị phải trao quyền, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương có tiếng nói trong quá trình xây dựng chính sách, mọi quyết định bảo tồn loại di sản sống cần bắt đầu từ việc đảm bảo quyền đàm phán của các chủ thể di sản (8).

Trở lại với Hội An để thấy khó khăn bắt đầu từ thiếu tiền (cả chính quyền và các hộ dân) bảo tồn di sản, dẫn đến điểm cuối là cuộc đảo lộn lớn, căn bản về nhân khẩu học (dân bán nhà, dời đi). Quá trình suy thoái của loại “di sản sống” đang trên con đường đi đến kết cục đánh mất “cộng đồng bản địa”, những người duy trì “tính liên tục” của truyền thống văn hóa và các tập quán sinh sống của Hội An. Hai yếu tố đặc trưng/cốt lõi để đô thị này được công nhận là di sản sống của thế giới. Nó nghiêm trọng, bởi về bản chất, cuộc sống của cộng đồng địa phương chính là “nhịp đập trái tim” của di sản Hội An.

Xin nhấn mạnh, nhận định trên không hề hạ thấp những cố gắng to lớn, bền bỉ của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản Hội An suốt 25 năm qua. Mà người viết chỉ cố gắng tìm thêm một gợi ý cho giải pháp bổ khuyết chính sách nếu có thể, để “logic cuộc sống đi vào chính sách, chứ không phải ngược lại”!

Bài và ảnh: Trần Trung Chính

________________________

Tài liệu trích dẫn, tham khảo:
1. 2018, ICCROM
2. Gamini Wijesuriya, Living Heritage. 2018, và Công ước UNESCO năm 2005 về Bảo vệ và phát huy tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa
3. The Role of Local Communities and Well-Being in UNESCO World Heritage Site Conservation: An Analysis of the Operational Guidelines, 1994-2019
4. Effects of World Heritage City Designation on Real Estate
5. Quảng Nam: Vì sao hàng loạt nhà phố cổ Hội An được rao bán? - Báo Pháp luật Việt Nam 22.7.2023
6. Giữ hồn cho đô thị cổ Hội An, Báo Đại biểu Nhân dân 20.7.2023
7. Developing a framework to appraise the critical success factors of transfer development rights (TDR) for built heritage conservation
8. Negotiating Authority: Local Communities in the World Heritage Convention

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/do-thi-di-san-tim-tien-cho-di-san-song-45956.html