Đô thị Điện Biên khi nào hết cảnh cứ mưa lớn 'đường biến thành sông'
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa mưa, đặc biệt khi trời mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ lại ngập úng 'đường biến thành sông'. Không chỉ giao thông đi lại khó khăn mà đời sống của người dân, tiểu thương cũng lao đao khi hệ thống thoát nước của thành phố tê liệt trước những trận mưa dài, cường độ cao.
Mưa to là ngập
Với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, Dự án Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020. Dự án bao gồm các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường đô thị phù hợp với quy hoạch TP. Điện Biên Phủ và định hướng nâng cấp đô thị loại II. Riêng hệ thống thoát nước được xây dựng mới thay thế hệ thống cống hộp cũ đã hư hỏng, với 4 vị trí đấu nối lớn, hơn 110 hố ga trên tổng chiều dài khoảng 3,9km nhằm thoát nước ra sông Nậm Rốm.
Điều lo ngại là sau khi cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng, tình trạng ngập lụt cục bộ trên đoạn đường dài khoảng 500m từ vòng xuyến trung tâm thành phố đến khu vực ngã ba đầu đường Trường Chinh vẫn chưa được cải thiện. Gần đây nhất, trận mưa lớn xảy ra vào đêm 2/8 đã khiến cả đoạn đường thành sông, điểm ngập sâu gần 1 mét. Nước úng ngập tràn vào nhiều hộ kinh doanh, buôn bán hai bên đường gây ướt, hỏng hàng hóa. Nhiều phương tiện mô tô, ô tô chìm trong nước gây chết máy phải gọi cứu hộ di chuyển phương tiện ra khỏi vùng ngập.
Lo lắng tình trạng mưa ngập sẽ còn tiếp diễn, gây khó khăn cho cuộc sống và công việc kinh doanh, anh Trần Văn Điệp, phường Tân Thanh chia sẻ: Nhà tôi có 2 cửa hàng bán quần áo trên đoạn đường này. Trận mưa ngày 2/8 vừa qua, cả 2 cửa hàng đều bị nước tràn vào ngập khoảng 50cm, nhưng gia đình chỉ kịp thu dọn tại 1 cửa hàng, cửa hàng còn lại nhiều hàng hóa bị ngập ướt hết, thiệt hại không nhỏ. Tôi rất mong muốn Nhà nước làm lại hệ thống thoát nước để người dân đỡ khổ.
Không chỉ khu vực đường Võ Nguyên Giáp, nhiều tuyến đường khác của thành phố như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thái thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn. Khu vực Sân vận động tỉnh là một trong những điểm thường xuyên ngập nặng, có chỗ ngập sâu 0,5 - 0,8 mét. Trong khi đó, đoạn đường giáp Sân vận động tỉnh thuộc tổ 8, phường Mường Thanh mặc dù đã được nạo vét, cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước cách đây chưa lâu. Đây là một phần của Dự án Nạo vét, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước D3 (đoạn từ Sân vận động tỉnh đến tổ dân phố 2, phường Mường Thanh) do UBND phường Mường Thanh làm chủ đầu tư, với nguồn vốn 9 tỷ đồng.
Đâu là nguyên nhân?
Dù đã quá quen với cảnh mưa là ngập, song điều mà nhiều người dân băn khoăn chính là hiệu quả của các công trình chống ngập đã được đầu tư của thành phố đang ở đâu khi chỉ một cơn mưa, cuộc sống của người dân đã đảo lộn?
Sau nhiều trận ngập úng lớn xảy ra, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước để tìm nguyên nhân. Ông Đỗ Trung Kiên, Phó phòng Quản lý đô thị thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Qua rà soát cho thấy, hiện nay vấn đề thoát nước trên nhiều tuyến đường chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là xử lý khi lưu lượng mưa tăng đột biến. Tại tuyến đường Võ Nguyên Giáp, hệ thống cửa thu nước từ mặt đường xuống hệ thống thoát nước chưa phù hợp với yêu cầu về thiết kế và thực tiễn. Ngoài ra, do hệ thống nước thải sinh hoạt của một số tuyến phố chưa được đầu tư thu gom riêng, vẫn sử dụng chung với cống thoát nước mưa gây mùi hôi thối, nên người dân đã bít các lỗ thoát để tránh mùi. Điều này khiến hệ thống thoát nước không hoạt động như mong muốn.
Tình trạng ngập úng tại khu vực Sân vận động tỉnh nguyên nhân chủ yếu do đây là khu vực trũng, trong khi hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập và trên các tuyến đường: Sùng Phái Sinh, Trường Chinh, Hoàng Văn Thái đã xuống cấp, nên khi mưa lớn, nước ở các tuyến đường trên không thoát kịp đều đổ dồn về khu vực này dẫn đến không thể tiêu thoát kịp.
Trả lời cho câu hỏi hệ thống cống thoát nước khu vực này mới được nâng cấp tại sao vẫn bị ngập, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh lý giải: Do hệ thống cống thoát nước mới với hệ thống cống thoát nước cũ dẫn nước ra kênh D3 không đồng bộ nên việc đấu nối hệ thống cống ngầm không liền mạch, tạo điểm “thắt cổ chai”. Bình thường thì hệ thống thoát nước trên vẫn hoạt động đảm bảo với tần suất thiết kế, nhưng nếu lượng nước mưa từ các tuyến đường quanh khu vực này đều đổ dồn về đây sẽ dẫn đến quá tải, nước không tiêu thoát kịp, gây ngập cục bộ.
Lời giải nào cho bài toán chống ngập
Nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ngập úng đã được thành phố Điện Biên Phủ tập trung thực hiện, như: cải tạo hệ thống thoát nước; vận hành, duy tu, nạo vét cống các loại, sửa chữa hố ga… Tuy nhiên, tại nhiều khu vực tình trạng ngập vẫn không cải thiện. Ngoài yêu cầu các tổ dân phố tuyên truyền cho người dân tháo các tấm che chắn tại các hố ga, cửa thoát nước, hiện thành phố tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm một số công trình cấp thiết giải quyết tình trạng úng ngập.
Dự án xử lý ngập úng cục bộ từ Km74 đến Km75+150 quốc lộ 279, đoạn đi qua nội thị thành phố Điện Biên Phủ do Khu quản lý đường bộ I thuộc Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng đã được triển khai thi công nhằm khắc phục tình trạng thường xuyên ngập úng tại đoạn đường này. Theo đó, để đảm bảo khả năng thoát nước sẽ tiến hành xây dựng hệ thống thoát nước dọc chạy dưới lòng đường ở cả hai phía và hệ thống cống, cửa thu nước ngang dạng xương cá thu gom nước mưa, thoát ra sông Nậm Rốm. Dự kiến công trình sẽ thi công xong trong năm 2023.
Tại khu vực Sân vận động tỉnh, để chống quá tải cho hệ thống thoát nước khu vực này, HĐND thành phố Điện Biên Phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nạo vét rãnh thoát nước và lát vỉa hè, chỉnh trang đô thị đường Trường Chinh và đường Hoàng Văn Thái, với tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng. Một trong những hạng mục quan trọng của dự án là làm mới rãnh hộp thoát nước hai bên đường, hố ga và cửa thu nước toàn tuyến. Dự án dự kiến khởi công trong năm 2024, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng cao hiệu quả thoát nước cho 2 tuyến đường trên.
Việc sớm xử lý hệ thống cấp thoát nước của thành phố Điện Biên Phủ đang là vấn đề cấp thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và đời sống nhân dân. Giải pháp khả thi trước mắt của thành phố phân công người mở nắp hố ga, xả nước mỗi khi mưa lớn. Còn với người dân, trong khi tiếp tục trông chờ và hy vọng vào hiệu quả chống ngập của những dự án đang và sẽ triển khai thì mùa mưa này vẫn phải sẵn sàng ứng phó cảnh “đường biến thành sông”.