Đô thị năng động đang trỗi dậy
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm của Hà Nội đã kịp thời về đích. Sự 'thay da đổi thịt' của hệ thống hạ tầng đô thị không chỉ phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp Thủ đô Hà Nội khang trang hơn, hiện đại hơn.
Thủ đô Hà Nội là một trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, Hà Nội cũng nằm trong nhóm 12 Thủ đô trên thế giới có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, với quỹ di sản phong phú giao thoa giữa các nền văn hóa của thế giới, có hệ sinh thái phong phú. Chính vì vậy, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển mới luôn được Hà Nội chú trọng triển khai từng bước theo quy hoạch.
Do đó, để tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo, Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Trong đó, Hà Nội xác định tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và ưu tiên đầu tư hoàn thành các trục hướng tâm, đường vành đai, dự án đường sắt đô thị, mạng lưới giao thông tĩnh, nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông.
Để đạt được những mục tiêu này, từ đầu năm 2023, Thành phố tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để giao thông đi trước mở đường. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đã khởi công dự án trong tháng 6/2023. Hợp long Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, thông xe trong tháng 8/2023; đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân. Hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng (Hồng Hà, Mễ Sở) để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.
Ngoài ra, Thành phố tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, THPT; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch, kết nối với 6 tỉnh lân cận là: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Thống kê cho thấy năm 2023, Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án lớn nhỏ với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Thành phố tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ Kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoàn thành Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội... Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố đã hoàn thành 2 dự án nhà thương mại với 61.043m2 sàn; 2 dự án nhà tái định cư với 24.960m2 sàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. Thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận (hiện Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh, quận Gia Lâm và các phường trực thuộc).
Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội đang bước vào kỳ quy hoạch mới với việc xây dựng hai bản quy hoạch lớn, quan trọng sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới đó là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho rằng, để có được một Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”, vấn đề có tính mấu chốt là Thành phố phải quan tâm giải quyết tường tận về hạ tầng đô thị như giao thông, rác thải, nước thải, nghĩa trang... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, Hà Nội đang đứng trước cơ hội hiếm có để thay đổi cách nghĩ, nhận diện lại cấu trúc phát triển của Thủ đô. “Tại thời điểm này, quan trọng nhất là cách đặt vấn đề phát triển Thủ đô phải đúng tầm với sứ mệnh, không phải chỉ của riêng một địa phương mà là tạo hình mẫu dẫn dắt cả nước. Do đó, các đồ án quy hoạch cần nhất quán, được nhìn theo cùng hướng, cùng mạch, không chỉ để giải quyết những khó khăn cũ trước đây hoặc sa vào chỉnh sửa những nội dung chưa làm xong mà phải có sứ mệnh tạo ra diện mạo, cơ hội phát triển Thủ đô xứng đáng với thời đại mới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/do-thi-nang-dong-dang-troi-day-165158.html