Đô thị Thanh Hóa dự kiến sẽ có 1 triệu dân vào năm 2040
Ngày 15/4, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Theo nội dung được phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính của TP.Thanh Hóa hiện tại và huyện Đông Sơn, với tổng diện tích khoảng 22.821 ha.
Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển TP. Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Về chức năng đô thị, TP. Thanh Hóa được xác định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Là đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Về quy mô dân số, hiện nay có khoảng 440.000 người. Dự báo đến năm 2030 có khoảng 780.000 đến 800.000 người và đến năm 2040 có khoảng 1 triệu người.
Đối với quy hoạch đất xây dựng đô thị, hiện đất xây dựng đô thị khoảng 7.634ha. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 11.181ha và đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 14.019ha.
Việc quy hoạch đô thị Thanh Hóa sẽ phát triển theo mô hình “tập trung, đa tâm”; điều chỉnh mô hình “vành đai - xuyên tâm" và hình thành mô hình vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm.
Trong đó, lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm; lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị; lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị "3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, khẳng định: “TP.Thanh Hóa giữ vai trò vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và quốc phòng an ninh của tỉnh; là cửa ngõ kết nối kinh tế giữa Bắc bộ với Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu tỉnh Thanh Hóa với cả nước. Sau thời gian dài thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị, đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần điều chỉnh… Do đó, việc mở rộng quy hoạch chung TP.Thanh Hóa với sáp nhập H.Đông Sơn cần thiết".
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa là dấu mốc lịch sử trong phát triển đô thị Thanh Hóa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, xây dựng và phát triển tốt đô thị Thanh Hóa sẽ là động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.
“Ngay sau hội nghị này, tôi yêu cầu chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của quy hoạch. Sở Xây dựng, TP. Thanh Hóa, và huyện Đông Sơn cần phối hợp triển khai tổ chức quy hoạch đồng bộ, đúng quy định; khẩn trương tổ chức lập chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; rà soát điều chỉnh và đổi mới quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đảm bảo tính khoa học; đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị đáp ứng sự phát triển của người dân; tập trung nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đô thị”, ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.