Đọ thu nhập lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với tư nhân
Vốn luôn được biết đến là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn, chủ đạo của nền kinh tế thuộc các lĩnh vực trọng yếu, nhưng so với khối doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo doanh nghiệp khối Nhà nước lại có mức thu nhập chênh lệch đáng kể.
Lời tòa soạn: Nắm trong tay nhiều nguồn lực nhưng khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị đánh giá là có sức ì hơn doanh nghiệp tư nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến năng lực điều hành và tính chủ động của lãnh đạo quản lý DNNN còn nhiều hạn chế.
Nhằm tổ chức thực hiện các mục tiêu, giải giáp về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN. Trên tinh thần đó, TheLEADER triển khai tuyến bài về thu nhập của lãnh đạo DNNN có tương xứng với năng lực quản trị.
Tư nhân “chịu chi”
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, tổng thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) là 118 tỷ đồng. Với 7 thành viên, tính trung bình mỗi thành viên HĐQT nhận thù lao 16,83 tỷ đồng/năm, tương ứng với 1,4 tỷ đồng/tháng.
Ban giám đốc cũng nhận thù lao tăng 1,67 lần, từ mức 2,32 tỷ đồng lên 3,89 tỷ đồng. Với 4 thành viên, trung bình trong năm qua mỗi thành viên nhận gần 1 tỷ đồng.
Thành viên Ban kiểm soát trong năm tài chính vừa qua cũng tăng thù lao, lương và thưởng lên 1,754 tỷ đồng. Ban kiểm soátcó 4 thành viên, như vậy, trung bình, trong năm qua, mỗi thành viên nhận 438 triệu đồng, tương đương hơn 36 triệu đồng/tháng.
Dù kết quả kinh doanh chưa mấy khởi sắc, doanh nghiệp liên tiếp gặp rắc rối nhưng trong năm 2021, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng nhận mức thù lao lên đến hơn 2,66 tỷ đồng, tương đương hơn 220 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai nhận hơn 2,2 tỷ đồng, tương đương 183 triệu đồng/tháng.
Hay như ông Danny Le, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan trong năm 2021 nhận thù lao khoảng 12,2 tỷ đồng, tương ứng khoảng hơn 1,1 tỷ đồng/tháng. Trong “hệ sinh thái” Masan Group, một số CEO khác như ông Nguyễn Quốc Trung (Masan Meatlife), bà Trần Thị Hồng Yến (Bột giặt NET), ông Đàm Sơn (Nước khoáng Quảng Ninh) cũng ghi nhận mức thu nhập nhiều tỷ đồng trong năm 2021.
Báo cáo thường niên năm 2021 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tiết lộ những con số "khủng" về thu nhập của các thành viên HĐQT và Ban điều hành. Theo đó, lương và các quyền lợi gộp của nhân sự quản lý chủ chốt trong năm 2021 tăng 16% so với năm 2020. Tính ra, mỗi thành viên HĐQT (9 người) nhận được 2,2 tỷ đồng/năm (tương đương 183,3 triệu/tháng) và mỗi thành viên Ban điều hành (7 người) nhận được lên tới 6,4 tỷ đồng/năm (tương đương 533 triệu đồng/tháng).
Nhắc đến top các nhóm ngành “chịu chi” trong việc trả lương cho lãnh đạo không thể không nói đến các ngân hàng. Theo đó, các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Tổng giám đốc trung bình có mức thu nhập khoảng từ 200-500 triệu đồng/tháng, thậm chí có giai đoạn “ăn nên làm ra” có ngân hàng còn mạnh tay chi ra mức 700 triệu đồng/tháng cho vị trí lãnh đạo cấp cao.
Nhà nước “ngậm ngùi”
Trong khi đó, dù lâu nay vẫn được xem là “xương sống” của nền kinh tế nhưng thù lao lãnh đạo của những “ông lớn” DNNN có vẻ như chưa tương xứng với quy mô.
Có thể kể đến như ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhận mức tiền lương, thù lao gần 91,5 triệu đồng/tháng, tương đương gần 1,1 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, ông Lê Trường Giang, Tạ Mạnh Hùng, thành viên HĐQT và bà Nguyễn Thị Thiên Kim, Trưởng ban kiểm soát nhận lương, thù lao trên 73 triệu đồng/tháng, tương đương 878 triệu đồng/năm; ông Mai Hữu Thọ, thành viên Ban kiểm soát nhận lương, thù lao gần 46 triệu đồng/tháng, tương đương 549 triệu đồng/năm.
Cũng được biết đến là một “ông lớn” trong khối DNNN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng mới công bố mức thu nhập của ban lãnh đạo trong năm 2021.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT Tô Dũng Thái nhận 1,6 tỷ đồng; ông Hồ Đức Thắng, thành viên HĐQT là 1,5 tỷ đồng; ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT là hơn 1,7 tỷ đồng. VNPT cho biết, thu nhập của các phó tổng giám đốc ghi nhận hơn 1,6 tỷ đồng mỗi người trong năm 2021.
Bên cạnh VNPT, Vietnam Airlines, thu nhập của các lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng được nhiều người quan tâm. Trước đó, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, doanh nghiệp đã công bố về phương án chi trả tiền lương và thù lao của các thành viên HĐQT, các thành viên Ban kiểm soát trong năm 2021.
Cụ thể, tổng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT Petrolimex dự kiến hơn 7,1 tỷ đồng; tổng quỹ tiền lương và thù lao của ban kiểm soát năm 2021 dự kiến hơn 3,6 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi sếp trong HĐQT nhận được 887,5 triệu đồng/năm, tương ứng gần 74 triệu đồng/tháng; Ban kiểm soát là 720 triệu đồng/người/năm, tương ứng 60 triệu đồng/tháng.
Trong lĩnh vực tài chính, mức thù lao cho dàn lãnh đạo các ngân hàng có vốn Nhà nước luôn thấp hơn rất nhiều so với khối tư nhân, bình quân khoảng từ 130-150 triệu đồng/tháng, tương đương dưới 2 tỷ đồng/năm.
Thực tế, chi phí lương thưởng là một cấu phần quan trọng nhằm tạo nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu giảm chi phí nhân công, lợi nhuận sẽ được cải thiện. Tuy vậy, ở một góc độ khác, lương thưởng cũng là yếu tố để thu hút nhân tài về cống hiến và theo đó cũng có thể nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp.
Việc trả lương, thù lao cho lãnh đạo ở các công ty tư nhân được tự quyết, các công ty đại chúng phải được ĐHĐCĐ thông qua, còn đối với DNNN thì phải theo hệ số quy định. Ngay cả những doanh nghiệp đã đại chúng, niêm yết trên sàn như Vietnam Airlines, Petrolimex, hay các ngân hàng nhưng yếu tố nhà nước vẫn còn tương đối cô đặc, thường là chiếm phần trăm áp đảo, nên việc tuân thủ các quy định là bắt buộc phải thực hiện.
Trước đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Nghị định 20/2020 thí điểm thực hiện cơ chế khoán lương tại 3 doanh nghiệp nhà nước gồm VNPT, Vietnam Airlines và Tổng công ty quản lý bay (VATM). Nghị định này cho phép doanh nghiệp được chủ động sử dụng lao động, tiền lương cho lãnh đạo và người lao động.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngoại trừ VNPT, hai đơn vị còn lại đều thua lỗ. Do đó, thu nhập của lãnh đạo cũng không thể gọi là cao so với mặt bằng chung. Đối với VNPT, dù thu nhập của lãnh đạo đều tăng lên nhưng nếu so với FPT thì có sự chênh lệch khá lớn (quỹ lương cho toàn bộ cán bộ nhân viên tại FPT lên tới hơn 15.000 tỷ đồng)