Đổ thuốc trừ sâu tận diệt nguồn thủy sản sông Đồng Nai
Thời gian gần đây, nhiều ngư dân hai bên dòng sông Đồng Nai chật vật tìm nghề khác mưu sinh vì một số đối tượng dùng... thuốc trừ sâu đánh bắt khiến nguồn thủy sản cạn kiệt.
Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần có văn bản gửi Sở NN&PTNT và các huyện, TP Biên Hòa tăng cường công tác kiểm tra dọc ven sông, xử lý nghiêm người dùng thuốc trừ sâu và các hành vi vi phạm pháp luật khác khai thác thủy sản trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, dường như những biện pháp nêu trên chưa đủ cứng rắn để dẹp bỏ tệ nạn bức tử dòng sông trù phú này.
PV Báo Pháp luật Việt Nam thực tế trên sông Đồng Nai, đoạn từ hồ Trị An đến giáp địa bàn quận 9 (TP HCM) để phản ánh tình trạng đáng báo động trên.
Dùng thuốc trừ sâu để bắt tôm, cá
Theo chân anh N.V.H, một ngư dân có nhiều năm gắn bó với nghề lặn bắt tôm càng xanh dưới lòng sông Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến nhiều đối tượng đang dùng thuốc trừ sâu để đánh bắt tôm, cá.
Điển hình, ngày 28/4, chúng tôi tận mắt thấy 2 thuyền đang dùng thuốc trừ sâu đánh bắt thủy sản. Điều đáng lo ngại là vị trí mà hai thuyền đánh bắt lại nằm ngay miệng ống hút nước của phân xưởng nước thô của Nhà máy nước Thiện Tân (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nơi cung cấp nước cho TP Biên Hòa).
Anh H cho hay, để bắt được tôm càng xanh, những người này dùng thuốc trừ sâu hiệu Fastac 5EC cho vào trong một chai nước lớn, đổ cát vào cho chai nặng để nhấn chìm xuống lòng sông. Sau đó, chúng đục thủng lỗ ở nắp chai, dùng thuyền kéo dọc một đoạn sông dài. Khoảng 5 đến 7 phút sau khi hòa vào nguồn nước, tôm sẽ bị cay mắt, trôi dạt vào bờ.
Thuốc trừ sâu Fastac 5EC là loại thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc hạ gục các loại côn trùng như: rầy, bọ xít, bọ trĩ, sâu cuốn lá, rệp. Những con tôm càng xanh được bắt về bị nhiễm chất độc hại ít nhất trong vòng 7 ngày.
Một người dân tên Linh sống nhiều năm bằng nghề lặn sông bắt tôm, cá ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho hay, nếu trước đây, người dân sông nước vùng này dùng phương pháp bắt tôm thông thường là chỉ xiên những con tôm loại nhất hoặc loại hai, ít ai bắt tôm nhỏ hơn. “Giờ thì lặn cả đêm cũng không tìm ra con tôm loại ba nữa”, anh Linh than thở.
Không chỉ tôm, cá chết mà đương nhiên nguồn nước cung cấp cho người dân Đồng Nai cũng nhiễm thuốc trừ sâu.
Theo một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, thuốc trừ sâu nhãn nhiệu Factac mà người dân đổ xuống sông để đánh bắt thuộc nhóm rất độc với tôm, cá và con người (độ độc thuộc nhóm 2, độ độc cao). Khi con người uống phải nước có tồn dư của hai loại thuốc trừ sâu này, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.
Một cán bộ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cũng nhận định, thuốc trừ sâu Fastac thả xuống sông sẽ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người.
Việc sử dụng tôm, cá bị nhiễm thuốc trừ sâu có thể không gây ngộ độc cấp nhưng về lâu dài sẽ tác hại khó lường. Người dùng có thể gặp rối loạn về da, mắt và đường hô hấp hoặc có thể ung thư, vô sinh hoặc biến đổi gien. Ngoài ra, các loài thủy sinh khác khi bị “dính” thuốc trừ sâu, có loài sẽ không chết nhưng tồn dư của thuốc thì còn và người khác đánh bắt được đem về ăn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dùng điện để bắt hàng loạt
Không dừng lại ở việc đổ thuốc trừ sâu, nhiều đối tượng còn mang cả điện xuống lòng sông để tận diệt tôm, cá.
Nhiều người dân cho biết, nếu thuốc trừ sâu Fastac khi pha loãng trong nước chỉ bắt được tôm càng xanh và những loại cá nhỏ thì nay, nhiều đối tượng còn chế hẳn bộ dụng cụ kích điện công suất lớn, mang xuống lòng sông để chích cá, tôm.
Anh Đ.T.L, một người chuyên dùng điện để bắt cá, tôm giãi bày mặc dù biết dùng điện để đánh cá, tôm rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nhưng vì mưu sinh nên vẫn liều.
Cũng theo anh L, kể từ khi một số người dùng thuốc trừ sâu để bắt tôm thì những ngư dân như anh buộc phải chuyển sang đánh bằng điện.
Theo một ngư dân khác tên Văn, gần như không một con tôm, cá nào thoát được khi dòng điện đi qua. “Đến người khi xảy ra sơ suất còn bỏ mạng, huống chi tôm cá”, anh Văn nói về một trường hợp bị điện giật chết trên khúc sông này khi lặn chích điện cá, tôm.
Ngư dân hai bên sông Đồng Nai mong muốn, các cơ quan chức năng cần có biện pháp đồng bộ để xử lý triệt để vấn nạn tận diệt thủy sản, "đầu độc" dòng nước nhằm trả lại “sức khỏe” cho sông Đồng Nai cũng như người dân trong khu vực.